Hồng Ân Đức Tin
Niềm tin là một điều cần thiết cho cuộc sống con người vì nó chi phối đến mối tương quan của ta với những người sống chung quanh ta trong gia đình và trong xã hội. Nhờ tin tưởng lẫn nhau mà ta mới kết nghĩa tình bạn hoặc tình yêu, làm ăn, mua bán, xây dựng gia đình, quốc gia và thế giới. Niềm tin tôn giáo hay đức tin cũng mang ý nghĩa tương tự như vậy, nhưng dựa trên tương quan tâm linh giữa con người và Thiên Chúa.
1. Định nghĩa về đức tin
Nói cách tổng quát, đức tin là “việc con người đáp lại Thiên Chúa, Đấng mạc khải và hiến mình cho con người, đồng thời ban ánh sáng cho con người đang đi tìm ý nghĩa tối hậu của cuộc đời (GLCG số 26). Đức tin được nhìn trong bối cảnh của cuộc đối thoại: Thiên Chúa mời gọi; con người đáp lại lời mời gọi (số 142-143). Hành vi đáp lại của con người được diễn tả qua hai thái độ: vâng phục và gắn bó. a) Vâng phục: tự nguyện quy thuận lời đã nghe, bởi vì chân lý của lời đó đã được Thiên Chúa là chính Chân lý bảo đảm (số 144). b) Gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý được Thiên Chúa mạc khải (số 150). Đức Maria đã can đảm thưa ‘Xin vâng’ với chương trình cứu độ của Thiên Chúa dù ngài chưa hiểu rõ. Đức Maria thực hành đức tin tuyệt hảo vì hoàn toàn tùng phục và thực hành ý muốn Thiên Chúa (GLCG số 148-149; 494; 506). Tương tự như vậy, ta cũng thưa Amen đối với các lời hứa và các điều răn của Thiên Chúa trong niềm tin tuyệt đối vào Đấng tạo dựng ta với tình yêu vô tận (GLCG số 1064)
2. Nội dung của đức tin
Tin là chấp nhận các chân lý mạc khải của Thiên Chúa. Nội dung cơ bản của đức tin là “chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần” (số 178; xem thêm 150-152). Ngay từ đầu, các thánh Tông đồ đã diễn tả và thông truyền đức tin qua những công thức ngắn gọn. Hội thánh cũng muốn tóm tắt những yếu tố cốt yếu của đức tin trong bản toát lược hữu cơ, được gọi là “biểu thức đức tin” hay cũng gọi là kinh tin kính các thánh Tông Đồ (GLCG số 171; 185-188). Sau này, kinh Tin kính Công đồng Nicea (325) đã được chấp thuận tại Công đồng Constantinople (381) trở thành một tuyên xưng đức tin Kitô chung cho Giáo hội Công giáo, Giáo hội Chính thông và hầu hết các Giáo phái Tin lành.
3. Những đặc điểm của đức tin
Đức tin vừa là hồng ân của Thiên Chúa vừa là hành vi của con người. a) Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa ban cho (GLCG số 153): b) Đức tin là một hành vi nhân linh của trí tuệ và ý chí, ta hiểu biết và yêu mến để hợp tác với ơn thánh Chúa (GLCG số 154) Như vậy có sự khác biệt giữa “đức tin” và “tín ngưỡng”. Đức tin là hồng ân Thiên Chúa ban cho con người để họ qui hướng về Thiên Chúa. Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. (xem Khoản 1 Điều 2 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2018). Đức tin có 4 đặc điểm sau đây:
1) Đức tin là một hành vi hiểu biết sáng suốt. Tuy rằng động lực khiến chúng ta tin không hiển minh đối với lý trí nhưng tin không phải là điều phi lý, bởi vì có những dấu chỉ đáng tin (GLCG số 156); vì dựa trên chính Lời của Chúa, Đấng không thể nói dối (GLCG số 157). Đức tin cần tìm hiểu rõ hơn và sâu xa hơn (GLCG số 158).
2) Đức tin là một hành vi tự do: đức tin là một tình yêu độc hữu dành cho Thiên Chúa là Đấng Thiện hảo tuyệt đối (GLCG số 229); tỏ lòng thảo hiếu gắn bó (GLCG số 2609); hướng đến sự kết hợp huyền nhiệm(GLCG số 2709). Sự tự do của đức tin được hiểu theo hai nghĩa: nội tại và ngoại tại. Dựa theo thánh Tôma, công đồng Vaticanô I hiểu về tự do nội tại: vì lý trí không thấy sự hiển minh nội tại của mệnh đề cho nên không buộc phải chấp nhận cách tất yếu. Công đồng Vaticanô II mở rộng ra sự tự do theo nghĩa ngoại tại: không ai có thể bị cưỡng bách chấp nhận đức tin; con người chỉ bị thu hút bởi sức mạnh của chân lý, chứ không thể bằng bạo lực.
3) Đức tin mang chiều kích cánh chung: (i) đức tin cần thiết để được cứu rỗi (GLCG số 161; x.1253-1255); (ii) đức tin cần kiên trì và tăng trưởng, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và hành động qua đức ái (số 162); (iii) đức tin là khởi đầu của sự sống muôn đời (số 164)
4) Đức tin vừa mang tính cá nhân (‘Tôi tin’) vừa mang chiều kích cộng đoàn Hội thánh (‘Chúng tôi tin’). Đức tin là một hành vi của Hội thánh: – (i) từ nguồn gốc: đức tin của Hội thánh đi trước, sinh sản, nâng đỡ và nuôi dưỡng đức tin của chúng ta (số 166; 181; 1124); – (ii) người tín hữu đón nhận đức tin từ Hội thánh, tuyên xưng đức tin trong Hội thánh, và truyền đạt lại cho tha nhân; – (iii) đức tin là dây liên kết: sự hợp nhất trong việc tuyên xưng đức tin (số 172-175), sự nâng đỡ hỗ tương nhờ lời nói và những gương tốt. Xc. Những mẫu gương đức tin: ông Abraham, tổ phục của những kẻ tin (số 145-147); Đức Maria kẻ thực hành đức tin tuyệt hảo (số 148-149; 494; 506).
4. Đức tin cần thiết để được cứu rỗi.
Đức tin có thể được hiểu theo hai nghĩa: 1/ Theo các tác giả Tin mừng, tin là điều kiện để được cứu rỗi (xc. Mc 16,16; Ga 3,16-18; 5,24). Các nhà thần học kinh viện đã tìm cách trả lời bằng cách phân biệt tình trạng đức tin ám tàng (tin rằng Thiên Chúa hiện hữu và là đấng thưởng phạt, dựa theo Dt 11,6), và đức tin minh nhiên (Chúa mạc khải chân lý cho con người để họ tin và được ơn cứu độ). Đối với những người chưa được nghe loan báo Tin mừng, thì đức tin ám tàng cũng đủ. Sang thế kỷ XX, các cuộc tranh luận trở nên sôi nổi hơn, liên quan đến sự cứu rỗi của những người ngoài Kitô giáo. 2/ Từ thời Cải cách Tin lành, Trentô ra sắc lệnh về việc công chính hóa (Decretum de iustificatione, khóa VI, ngày 13/1/1547). Tiến trình này bao gồm nhiều hành vi: hoán cải, thay đổi tâm tư não trạng, chế ngự các bản năng dục vọng. Tiến trình thanh luyện này cũng cần sự can thiệp của ơn Chúa.
5. Đức tin cần được tăng trưởng
Đức tin có cả bộ mặt “tĩnh” và “động”. Xét vì đức tin là cái gì sống động cho nên có sự tiến triển. Sự tiến triển này có thể hiểu theo nhiều nghĩa:
a) Về phía cộng đoàn Hội thánh, có sự tiến triển trong việc hiểu biết các sự việc và lời nói thuộc kho tàng đức tin (GLCG số 94, trưng dẫn số 8 của hiến chế Dei verbum)
b) Về phía mỗi người tín hữu, đức tin của ta có thể tăng về phía đối thể, khi chúng ta hiểu biết sâu rộng hơn các đạo lý; đồng thời đức tin có thể tăng về phía chủ thể khi chúng ta tin tưởng phó thác vào Chúa hơn. “Lạy Chúa, chúng con tin, nhưng tăng thêm đức tin cho chúng con” (Mc 9,24). Nhìn theo khoa tâm lý tôn giáo, người trưởng thành là người biết trao ban, chứ không chỉ thuần túy nhận lãnh. Một cách tương tự, sự trưởng thành về đức tin có thể nhận thấy ở chỗ trở nên chứng tá và thông đạt niềm tin của mình cho tha nhân, tham gia vào sứ vụ truyền giáo của Hội thánh (tự sắc Porta fidei, số 7). Sự trưởng thành cũng có thể nhìn như là một cảm nghiệm sâu đậm về Thiên Chúa, nhờ tác động của Thánh Linh, đưa ta đến sự kết hiệp huyền nhiệm, như là nếm trước hạnh phúc mai hậu.
6. Đức tin trong sách Giáo lý Hội thánh Công giáo
Sách GLCG trình bầy đức tin trong 4 phần chính: – Phần thứ nhất: tuyên xưng đức tin (Professio fidei). – Phần thứ hai: “cử hành đức tin” (celebratio fidei).hay cũng gọi là các bí tích đức tin (Fidei sacramenta). – Phần thứ ba: đời sống đức tin (vita ex fide). – Phần thứ bốn: cầu nguyện trong đời sống đức tin (oratio in vita ex fide)
Hai phần đầu ‘tuyên xưng đức tin’ và ‘cử hành đức tin’ nói lên việc Thiên Chúa khai sáng và ban ân huệ cho con người nhận biết Thiên Chúa. Hai phần sau ‘sống đức tin’ và ‘cầu nguyện trong đời sống đức tin’ nói lên việc con người đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Nói cách cụ thể, Thiên Chúa bầy tỏ tình thương vô biên của Ngài với con người và mong con người đón nhận tình thương của Ngài. Nét đặc trưng của Kitô giáo là chú trọng đến tương quan thân tình giữa Thiên Chúa với con người hơn là chú trọng đến bổn phận của con người đối với Thiên Chúa.
7. Những tội trái nghịch đức tin (GLCG 2087-2089)
Sách GLCG chỉ liệt kê bốn tội: vô tín, lạc giáo, bội giáo, ly giáo.
– a. Phản giáo: là không trung tín với chân lý đức tin. Thánh Toma phân biệt hai hoàn cảnh: tiêu cực và tích cực . Những người ngoại đạo không biết nên không có tội; nhưng ai đã theo đạo nhưng phản bội chân lý mạc khải thì có tội.
– b. Lạc giáo: là cố chối bỏ một chân lý phải tin hoặc cố tình hồ nghi về chân lý ấy sau khi đã lãnh nhận bí tích rửa tội. Linh mục Arius ở Alexandria đã dạy sai lầm là Chúa Giê-su không cũng bản thể và uy quyền với Chúa Cha, khi xuống trần gian làm Con Người, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Tà thuyết này đã bị Công Đồng Nicea lên án năm 325 vì sai lạc hoàn toàn với giáo lý của Giáo Hội về Ba Ngôi Thiên Chúa cũng một bản thể (substance) và oai quyền (dignity). Linh mục Nestorius ở Antioch vào năm 428 AD cũng phân biệt thần tính ( divine nature ) và nhân tính ( human nature) của Chúa Kitô, và cho rằng Mẹ Maria chỉ là Mẹ về mặt nhân tính của Chúa Kitô mà thôi. Tà thuyết này đã bị Công Đồng Ephêsô lên án năm 431 vì sai lầm với giáo lý của Giáo Hội về hai bản tính của Chúa Kitô không hề tách rời nhau, Công Đông Ephêsô cũng tuyên bố Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos= God bearer) vì là Mẹ thật của Chúa Kitô, là Ngôi Hai cùng bản thể với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
– c. Bội giáo: là chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo. Đây là tội rất nghiêm trọng vì một người đã được rửa tội, đã tuyên xưng đức tin nhưng sau đó đã chối bỏ hoàn toàn đức tin về Chúa và về quyền bính của Giáo Hội (Dt 6, 4-8)
– d Ly giáo: là từ chối vâng phục Đức Giáo hoàng hoặc từ chối hiệp thông với các chi thể của Hội thánh dưới quyền ngài. Ly giáo Đông Phương (Easter Schism) là vết thương lớn nhất và kéo dài lâu nhất từ năm 1054 cho đến nay. Việc ly giáo này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân xa và gần. Ngoài những dị biệt về tín-lý còn có vấn đề văn hóa, quyền hành lẫn với chính trị. Đại Ly giáo Tây Phương (Great Western Schism) kéo dài từ năm 1378 cho đến năm 1417. Nguyên nhân chính là do sự tranh chấp của một số phe phái trong Giáo Hội về ngôi Giáo Hoàng Roma, sau khi Tòa Thánh, dưới triều Đức Giáo Hoàng Gregory XI rời đô trở lại Roma từ Avignon ( Pháp) năm 1377.
Về hồng ân đức tin, sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo dậy rằng: – Đức tin là khởi đầu của sự sống muôn đời (GLCG số 164); – Người tín hữu Kitô đón nhận đức tin từ Hội thánh, tuyên xưng đức tin và gìn giữ hiệp nhất trong Hội thánh (GLCG số 172-175; – Họ cần truyền đạt lại đức tin cho tha nhân bằng lời nói và gương tốt để họ được cứu rỗi nhờ đức tin cần thiết (GLCG số 161; x.1253-1255); – Người tín hữu cần kiên trì cho đến cùng và tăng trường đức tin bằng Lời Chúa và hành vi đức ái (GLCG số 162).
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP