Vấn Đề Phá Thai Xét Theo Pháp Lý Và Luân Lý

1. Vấn đề phá thai xét theo pháp lý dân sự
Phá thai được hợp pháp hóa kể từ khi đạo luật năm 1967 có hiệu lực tại vương quốc Anh. Theo đó, phụ nữ được phép phá thai trong vòng 24 tuần đầu tiên của thai kỳ. Độ tuổi của thai phụ khi phá thai không bị giới hạn, miễn là có được sự tư vấn và đồng ý của bác sĩ. Tại các quốc gia thuộc Châu Âu như Pháp, Đức, Đan Mạch, Bỉ… cho phép phá thai khi thai nhi chưa quá 12 tuần tuổi. Ở Bỉ, việc phá thai là hợp pháp khi thai phụ cảm thấy căng thẳng, chưa sẵn sàng để sinh con và phải có bác sĩ chuyên khoa tư vấn. Các quốc gia Italy, Hà Lan, Phần Lan, Nga cho phép phá thai không quá 24 tuần tuổi. Nhiều quốc gia nghiêm cấm việc phá phôi thai từ 24 tuần tuổi trở lên vì thai nhi đã có khả năng tự sống sót.

Ngày 22 Tháng Giêng, 1973, chín thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa kỳ, với số phiếu 7-2, ra phán quyết giải thích rằng: “Theo tinh thần Tu Chính Án số 14 Hiến Pháp Hoa Kỳ, người phụ nữ có quyền phá thai.” Quyền này được dùng trong suốt thời gian mang thai, tuy nhiên, Tối Cao Pháp Viện lại cho phép các tiểu bang tùy nghi ấn định hạn kỳ trong ba tháng đầu, tùy theo ý niệm khi nào cái thai có khả năng tồn tại độc lập (viability). Việc phá thai trở thành hợp pháp từ năm đó, nhưng các tiểu bang đã đặt ra nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.

Ngày 22.1.2019, Thống đốc Andrew Cuomo ban hành Quy luật về quyền phá thai do Cơ quan Lập pháp bang New York bỏ phiếu chấp thuận. Ông tuyên bố: Hôm nay, chúng ta đang tiến một bước lớn trong cuộc chiến khốc liệt để bảo đảm quyền của người phụ nữ tự đưa ra quyết định về sức khỏe cá nhân của mình, bao gồm khả năng tiếp cận phá thai. Với việc ký kết dự luật này, chúng tôi đang gửi một thông diệp rõ ràng rằng bất cứ điều gì xảy ra ở Washington, phụ nữ ở New York sẽ luôn có quyền cơ bản để kiểm soát cơ thể của chính họ. Theo bản văn, Quy luật Sức khỏe Sinh sản 38-24 cho phép phá thai “trong vòng 24 tuần lễ từ khi bắt đầu thụ thai, hoặc (khi) không có khả năng tồn tại của thai nhi hoặc bất cứ lúc nào khi cần thiết để bảo vệ tính mạng hoặc sức khỏe của bệnh nhân”. Quy luật cũng loại bỏ hành vi phá thai khỏi bộ luật hình sự và xếp nó vào bộ luật y tế công cộng, loại bỏ hầu hết các biện pháp bảo vệ và qui định về thủ tục. Bây giờ, một người không phải là bác sĩ (non-doctor) sẽ được phép thực hiện phá thai.

Theo thống kê chính thức của tổ chức Y tế Thế giới WHO và viện Guttmacher (viện nghiên cứu hàng đầu và tổ chức về chính sách cam kết thúc đẩy sức khỏe và quyền sinh sản và tình dục ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu), năm 2017 có số phá thai trên toàn cầu là 55,7 triệu ca, trong đó số ca phá thai không an toàn là 25,5 triệu ca. 97% số ca phá thai không an toàn này là ở các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Phá thai an toàn theo định nghĩa của WHO là phải được thực hiện bởi các cán bộ y tế có chuyên môn, có kinh nghiệm trong phá thai và thực hiện trong môi trường vô trùng tuyệt đối.

2. Vấn đề phá thai xét theo luân lý Giáo hội Công giáo
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 muốn mọi người chú ý đến những sai lầm về đạo đức xã hội liên quan đến phá thai như sau:
1. Phá thai là hợp pháp. Do đó, phá thai hủy diệt Sự Sống con người một cách có hệ thống, hợp vệ sinh, hợp pháp. Người ta còn đòi hỏi Nhà Nước cho họ được sự nhìn nhận hợp pháp và thực hiện các quyền đó thông qua các dịch vụ miễn phí do các nhân viên chăm sóc sức khỏe tiến hành” (Tin mừng Sự sống, số 11).
2. Phá thai liên quan cụ thể đến vấn đề hủy diệt Sự Sống vô tội. ĐHY Joseph Ratzinger vào tháng 6 năm 2004 đã viết trong Chỉ dẫn “Món quà Đời sống” (Món quà Sự sống – Donum Vitae 76-77): Việc hủy diệt “Sự Sống vô tội” là đặc biệt xấu và luôn luôn phải bị lên án ở bất kỳ nơi đâu. Không ai có thể “tự biện minh cho mình quyền hủy diệt trực tiếp một sinh mạng vô tội trong bất kỳ trường hợp nào.”
3. Số lượng các vụ phá thai mỗi năm khoảng 60 triệu. Như vậy, phá thai trở thành một trong những vấn đề công bằng xã hội nghiêm trọng nhất của mọi thời. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 viết: “Nhân loại thời nay bày ra một cảnh tượng thật sự đáng báo động, chúng ta xem xét không những mức độ ác liệt của những cuộc tấn công tràn lan đối với Sự Sống mà còn ở hệ thống quy mô về số lượng những cuộc tấn công” (Tin mừng Sự sống, số 17).
4. Xã hội tùy tiện phân chia con người thành những người đáng sống và những người không đáng sống. Những con người (chưa sinh) như những phi-nhân-vị (non-persons), bị loại trừ khỏi các quyền và sự bảo vệ cơ bản được dành cho tất cả các con người khác. “Làm sao còn nói được tới phẩm giá của nhân vị, khi người ta giết những kẻ yếu nhất và vô tội nhất ? Nhân danh công lý nào mà người ta thực hiện sự kỳ thị đến mức bất công đối với những con người như thế, bằng cách tuyên bố rằng một số những người này đáng được bảo vệ, còn những người kia thì bị từ chối quyền sống?” (Tin mừng Sự sống, số 20).
5. Tình trạng của người chưa sinh là người không có tiếng nói và không thể tự vệ. Không ai vô tội hơn và vô phương tự vệ cho bằng một trẻ em chưa sinh. Như vậy đây là một chiều kích cần thêm vào các cuộc thảo luận về tính luân lý và sự nghiêm trọng của việc phá thai.
6. Phá thai là tội ác ghê tởm của văn hóa sự chết. Trong Thông điệp Tin mừng Sự sống, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã viết về tội ác phá thai như sau: Trong tất cả tội ác mà con người có thể thực hiện chống lại sự sống, phá thai do cố ý gây ra là rất nghiêm trọng và đáng kết án. Công đồng Vatican 2 đã định nghĩa phá thai là “một tội ác ghê tởm” khi giết trẻ chưa sinh. Nhưng ngày nay, trong lương tâm nhiều người, nhận thức về tính nghiêm trọng của nó đã lu mờ dần. Sự chấp nhận phá thai trong tâm thức con người nơi các phong tục và chính trong pháp luật, là một dấu chỉ hùng hồn về một cơn khủng hoảng rất nguy hiểm trong ý thức luân lý, ý thức đó ngày càng trở nên không có khả năng phân biệt giữa sự thiện và sự ác, ngay cả khi nó liên quan đến quyền cơ bản về sự sống. Trước tình hình nghiêm trọng như thế, hơn bao giờ hết, cần thiết phải có can đảm nhìn thẳng vào sự thật và nói lên các việc bằng tên của chúng, không nhường bước cho những thoả hiệp vì dễ dãi hoặc cho sự cám dỗ tự lừa phỉnh mình. Về vấn đề ấy, lời quở trách của vị ngôn sứ Isaia vang lên một cách dứt khoát: “Khốn cho những ai gọi điều ác là thiện và điều thiện là ác, lấy tối tăm làm ánh sáng và ánh sáng làm tối tăm” (Is 5,20). Chính trong trường hợp phá thai, người ta tuân theo sự phát triển của một hệ thống thuật ngữ nhập nhằng nước đôi, như thuật ngữ “sự ngừng có thai”, vốn hướng tới việc che dấu thực chất của nó và làm bớt tính nghiêm trọng của nó trong dư luận quần chúng. Có lẽ hiện tượng ngôn ngữ học này, chính nó là hội chứng của một sự bất ổn mà các lương tâm đã cảm nghiệm thấy. Nhưng không lời nào đạt đến kết quả thay đổi thực tại của cả sự việc: sự phá thai do cố ý gây ra, dù được thực hiện bằng cách nào, là hành động suy nghĩ và trực tiếp giết chết một con người trong giai đoạn đầu cuộc đời của nó, ở giữa sự thụ thai và sự sinh ra (số 58).

3. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo về sự sống con người
Thiên Chúa là chủ của sự sống. Vì thế chỉ có Ngài là Đấng duy nhất có quyền lấy đi mạng sống. Không một ai khác được phép làm chuyện đó. Hội Thánh muốn nhắc nhớ các tín hữu Kitô biết tôn trọng sự sống như sau:
1. Con người không được cố tình hay cố ý, trực tiếp hoặc gián tiếp hủy hoại sự sống con người (GLCG 2268 & 2269).
2. Sự sống con người phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ từ lúc được thụ thai. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, con người phải được kẻ khác nhìn nhận các quyền làm người, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi người vô tội (x. Món quà Sự sống, số 1,1)
3. Ngay từ lúc thành thai, phôi thai phải được đối xử như một nhân vị, nên phải được hết sức bảo vệ toàn vẹn, chăm sóc và chữa trị như mọi con người khác (GLCG 2274).
4. Về mặt luân lý, khám thai là điều được phép làm, nếu nó tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của phôi thai và của thai nhi, và nếu nó được nhắm tới sự bảo tồn hay chữa trị chính phôi thai hay thai nhi. Việc khám thai nghịch với luật luân lý cách nghiêm trọng, khi có ý khám thai để căn cứ vào kết quả có thể dẫn đến phá thai. Khám thai không thể trở thành phiên tòa tuyên án tử hình (GLCG 2274; x. Món quà Sự sống, số 1,2);
5. Hội Thánh đã xác định phá thai là một tội ác. Giáo huấn ấy bất biến, không hề thay đổi. Trực tiếp phá thai, dù là mục đích hay phương tiện, đều vi phạm nghiêm trọng luật luân lý (GHCG 2271).
6. Cộng tác vào chính việc phá thai là một tội rất nghiêm trọng. Theo giáo luật, Hội Thánh ra vạ tuyệt thông tiền kết cho ai thi hành việc phá thai có kết quả (x. can. 1398). Hôi Thánh muốn nhấn mạnh tính cách nghiêm trọng của tội ác đã phạm, sự thiệt hại không sửa chữa được đã gây ra cho trẻ vô tội bị giết chết, cho cha mẹ của em và cho toàn xã hội. Tuy nhiên, Hội Thánh không có ý giới hạn lòng thương xót của Thiên Chúa đối với họ. Họ có thể xin tha tội và tha vạ qua các linh mục để họ được hiệp thông trong Hội Thánh.
7. “Sản xuất những phôi thai con người với dụng ý khai thác như một vật liệu sinh vật học tiện dụng (x. Món quà Sự sống, số 1,5) là phản đạo đức”.
Tóm lại, chúng ta được yêu cầu quý mến và tôn trọng sự sống của mỗi người, nam cũng như nữ, và kiên trì làm việc với lòng dũng cảm, để thời đại có quá nhiều dấu hiệu chết chóc được phục hồi bằng một nền văn hoá mới của sự sống, là kết quả do nền văn hoá của chân lý và tình yêu (x.Tin mừng Sự sống, số 77).

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP