Cộng đoàn Kitô tiên khởi tại Giêrusalem
1. Cộng đoàn Kitô hiệp nhất
Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các tông đồ trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông : Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su (Cv 1,13-14). Trong những ngày ấy, ông Phê-rô đứng lên giữa nhóm có khoảng một trăm hai mươi người đang họp mặt và đề nghị: hãy chọn một trong những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh. Họ đề cử hai người : ông Giô-xếp, biệt danh là Ba-sa-ba, cũng gọi là Giút-tô, và ông Mát-thi-a. Họ cầu nguyện rằng : “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giu-đa đã bỏ để đi về nơi dành cho y.” Họ rút thăm, thăm trúng ông Mát-thi-a : ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ. (Cv 1, 15-26)
Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói : “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư ? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta ? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê ; nào là những người từ Rô-ma đến đây ; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo ; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa !” Ai nấy đều sửng sốt và phân vân, họ bảo nhau : “Thế nghĩa là gì ?” Nhưng người khác lại chế nhạo : “Mấy ông này say bứ rồi !” (Cv 2, 1-13) Các tông đồ nhớ lạ lời Chúa Giêsu nói với họ: Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu (Ga 15, 26-27). Nhóm 12 tông đồ bắt đầu rao giảng Tin Mừng đem lại nhiều kết quả nhờ: 1/ Chúa Thánh Thần tác động trên người rao giảng cùng như người lắng nghe; 2/ Chúa Thánh Thần hiệp nhất mọi người nên một dù rằng các tín hữu trong cộng đoàn rất khác biệt nhau về ngôn ngữ, văn hóa và chủng tộc; 3/ Chúa Thánh Thần đã trở thánh Đấng Chân Lý, Đấng An Ủi, Đấng Bênh Vực của Giáo Hộ mãi mãi.
2. Thánh Phêrô rao giảng về Chúa Kitô
Công vụ Tông đồ ghi lại biến cố Phêrô rao giảng cùng với nhóm tông đồ: “Bấy giờ, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng : “Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây. Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba. Nhưng đó là điều đã được ngôn sứ Giô-en nói đến : Thiên Chúa phán : Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ. Ta sẽ cho xuất hiện những điềm thiêng trên trời cao, và những dấu lạ dưới đất thấp, đó là máu, lửa và những cột khói. Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hoá thành máu, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày vĩ đại, vinh quang. Bấy giờ hết những ai kêu cầu danh Đức Chúa, sẽ được ơn cứu độ. (Cv 2, 14-21)
Rao giảng về Chúa Kitô chịu đồng đinh, chết trên thánh giá và sống lại là chứng từ của cá nhân Phêrô và của cộng đoàn tông đồ. Sau đó, dân chúng từ khắp xứ sở đã thống hối và xin nhận phép rửa tội. Có khoảng thêm ba ngàn người theo đạo (Cv 2, 37-41)
Phêrô gây chấn động vì chữa một người què ở bên Cửa Đẹp nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét: “Một hôm, ông Phê-rô và ông Gio-an lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín. Khi ấy, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày họ đặt anh ta bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí. Vừa thấy ông Phê-rô và ông Gio-an sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí. Hai ông nhìn thẳng vào anh, và ông Phê-rô nói : “Anh nhìn chúng tôi đây !” Anh ta chăm chú nhìn hai ông, tưởng rằng sẽ được cái gì. Bấy giờ ông Phê-rô nói : “Vàng bạc thì tôi không có ; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây : nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi !” Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy, đi lại được ; rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa. Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa. Và khi nhận ra anh chính là người vẫn ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp Đền Thờ, họ kinh ngạc sững sờ về sự việc mới xảy đến cho anh.” (Cv 3,1-10)
Phêrô và Gioan đối đầu với các tư tế, viên lãnh binh Đền Thờ, và các người thuộc nhóm Xa-đốc. Họ bực tức vì các ông giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức Giê-su mà loan báo kẻ chết sẽ sống lại. Họ bắt hai ông và tống ngục cho đến ngày hôm sau, vì trời đã về chiều. Nhưng trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn. (Cv 4,1-4)
Phêrô và ông Gioan ra trước Thượng Hội Đồng. Hôm sau, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Giê-ru-sa-lem. Có cả thượng tế Kha-nan, các ông Cai-pha, Gio-an, A-lê-xan-đê và mọi người trong dòng họ thượng tế. Họ cho điệu hai Tông Đồ ra giữa hội đồng và tra hỏi : “Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy ?” Bấy giờ, ông Phê-rô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ : “Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng : nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4, 5-12)). Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giê-su nữa…
Được thả về, hai ông đến với các anh em và thuật lại mọi điều các thượng tế và kỳ mục đã nói với hai ông. Nghe vậy, họ đồng tâm nhất trí cất tiếng lên cùng Thiên Chúa : “Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó ; Ngài là Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là Đa-vít, tôi trung của Ngài, mà phán : Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viển vông ? Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương. “Đúng vậy, Hê-rô-đê, Phong-xi-ô Phi-la-tô, cùng với chư dân và dân Ít-ra-en đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giê-su, Đấng Ngài đã xức dầu. Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước. Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn. Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giê-su.” Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển ; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa (Cv 4,23-31)
3. Cộng đoàn Kitô hiệp thông
Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu (Cv 4,32-35). Kết quả là “số kẻ được cứu rỗi mỗi ngày được ban thêm cho cộng đoàn” (Cv 2, 47).
Thánh Luca ghi lại trong sách Công Vụ Tông Đồ 4 đặc diểm của cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem như sau: Hiệp nhất và kiên trì trong việc lắng nghe giáo huấn của các Tông Đồ, rồi trong sự hiệp thông huynh đệ, trong việc bẻ bánh và trong các lời cầu nguyện. Bốn yếu tố này, cả ngày nay nữa, là các cột trụ cuộc sống của mọi cộng đoàn Kitô, và chúng cũng tạo thành nền tảng vững chắc duy nhất giúp tiến tới trong việc kiếm tìm sự hiệp nhất hữu hình của Giáo Hội.
Đặc điềm thứ nhất: Hiệp nhất. Chúng ta hiệp nhất không phải là sản phẩm hoạt động của con người; nhưng trước hết nó là một ơn của Thiên Chúa, bao gồm việc lớn lên trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Cầu nguyện được đặt ở trung tâm trên con đường xậy dựng sự hiệp nhất.
Đặc điểm thứ hai: Kiên trì lắng nghe giáo huấn của các Tông Đồ, hay lắng nghe chứng tá của các vị đối với sứ mệnh, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Đó là điều mà thánh Phaolô gọi là ”Tin Mừng”. Các kitô hữu tiên khởi đã nhận Tin Mừng từ miệng của các Tông Đồ, họ được hiệp nhất bởi việc lắng nghe và công bố Tin Mừng ấy; bởi vì Tin Mừng ”là quyền năng của Thiên Chúa cho sự cứu rỗi của bất cứ ai tin” (Rm 1,16).
Đặc điểm thứ ba: Hiệp thông huynh đệ. Hiệp thông là điều cần thiết và quan trọng nhất của cộng đoàn Kitô tiên khởi cũng như ngày nay, đây là việc diễn tả dễ nhận ra nhất của sự hiệp nhất giữa các môn đệ Chúa, đặc biệt đối với thế giới bên ngoài. Sách Công Vụ cho biết các Kitô hữu để mọi sự làm của chung, và ai có đất đai của cải thì đem bán đi để cho các người túng thiếu cũng được chia sẻ (x. Cv 2,44-45). Hiệp thông với Thiên Chúa trước tiên và hiệp thông giữa các tín hữu với nhau, Việc hiệp thông này được diễn tả một cách cụ thể như miêu tả trong sách Công Vụ Tông Đồ, nghĩa là bằng việc chia sẻ. Không ai trong cộng đoàn kitô phải đói nghèo: đó là một đòi buộc nền tảng. Sự hiệp thông với Thiên Chúa được thể hiện như sự hiệp thông huynh đệ, được diễn tả ra một cách cụ thể, trong dấn thân xã hội, trong tình bác ái kitô, trong công bằng.
Đặc điểm thứ tư: Cầu nguyện. Cầu nguyện luôn luôn là thái độ liên lỉ của các môn đệ Chúa Kitô. Cầu nguyện đồng hành với cuộc sống thường ngày của họ trong thái độ vâng theo ý của Thiên Chúa. Trong thư gửi tín hữu Thêxalônica thánh Phaolô khuyên họ như sau: ”Anh em hãy vui mừng luôn mãi, và hãy cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, vì đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5, 16-18; x, Ep 6,18). Lời cầu nguyện Kitô mỡ rộng tình huynh đệ để mọi người thương yêu và tha thứ cho nhau khi họ cùng cầu nguyện với Chúa là Cha chúng con ở trên trời.
Thánh Phêrô cho ta biết về bầu khí của cộng đoàn : “cùng nhau thông cảm, mặn nồng tình huynh đệ, đầy lòng xót thương và khiêm nhu” (1Pr 3,8). Kết quả là “số kẻ được cứu rỗi mỗi ngày được ban thêm cho cộng đoàn” (Cv 2,47). Đối với thánh Luca, cộng đồng Kitô tiên khởi tại Giêrusalem cống hiến cho chúng ta mẫu gương nền tảng cuộc sống của Giáo Hội thuộc mọi thời đại.