Những khác biệt giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống

1.Giáo Hội của Chúa Giêsu
Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập chính là Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền như cộng đoàn Kitô hữu vẫn tuyên xưng cho đến ngày nay. Giáo Hội này hiệp nhất trong cùng một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Danh xưng Công Giáo nói lên tính cách phổ quát của Giáo Hội bao gồm Thánh kinh, Thánh truyền, các ngôn ngữ, văn hóa, và truyền thống khác nhau nhưng chung một niềm tin. Danh xưng Chính Thống (orthodoxy) được các nghị phụ dùng để đồng thanh tuyên bố hoặc chấp thuận những giáo lý được coi là chân chính (sound doctrines), tinh tuyền của Kitô Gíáo tại các Công Đồng đại kết (Ecumenical Councils) Nicêa I (325) Ephêsô (431) và nhất là Chalcedonia (451), nhắm mục đích chống lại những tà giáo hoặc lạc giáo (heresy).

2. Giáo Hội thời biến chuyển
Trong mười thế kỷ đầu, Giáo hội rao giảng Tin Mừng và đã rửa tội cho dân tại các quốc gia, nhân bản hóa các tục lệ phong kiến, tạo thế quân bình giữa các thế lực, cổ võ nền luân lý Phúc âm và duy trì các kho tàng văn hóa cổ thời. Sự phát triển của Giáo hội không chỉ dựa trên những tiêu chuẩn nhân loại mà dựa vào những giá trị của đức tin, đức cậy và đức mến.

Thời điểm thế ký 11 là dấu nối đặc biệt giữa hai giai đoạn Trung cổ. Đây là thời điểm cảm hóa man dân, các chủng tộc xa lạ như Goth, German, Vandal … trở thành anh em, hầu hết các nước Âu châu đã được Kitô hóa. Thời đại phong kiến hỗn độn chuyển dần sang hệ thống tập trung quyền hành vào một số vua chúa ở Anh, Pháp, Đức, TBNha… Đây cũng là thời gian giao động trong Giáo hội, các giáo hoàng thoát ly quyền bảo hộ của các hoàng đế, công cuộc đổi mới các dòng tu và giáo sĩ đưa đến việc cải tổ toàn diện. Công cuộc truyền giảng Tin Mừng của Giáo hội sinh hoa kết trái, tạo ra nền văn minh Kitô giáo cho xã hội mới là Nước Chúa Kitô. Giáo hội không phát triển do chính sách khôn khéo của những con người mà do chính Thiên Chúa nâng đỡ. Giáo hội có những nhân vật nổi danh như thánh Antôn, các thánh giáo phụ, thánh Biển đức, thánh Bonifacio… là những người đã quảng đại dấn thân không mệt mỏi để giúp xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trên trần gian.

3. Giáo Hội bị chia rẽ Đông Tây
Trong Giáo Hội có những tranh luận về việc cử hành thánh thể, luật ăn chay, luật độc thân linh mục, quyền bính của giáo hoàng v.v. Những cuộc tranh luận về thần học, tín lý, phụng vụ và nhất là về quyền bính đã xảy ra giữa những nhà lãnh đạo Kitô Giáo ở Roma và Constantinople, đưa đến hâu quả chia rẽ trầm trọng là sự rạn nứt Đông –Tây (East-West Schism) vào ngày 16 tháng 7 năm 1054 giữa Thượng phụ Giáo chủ Michael Cerularius của Constantinople, Thổ Nhĩ Kỳ (tượng trưng cho Đông Phương) và Đức Giáo Hoàng Lêô IX của Giáo Hội Công Giáo Roma (Tây Phương). Hai bên đã ra vạ tuyệt thông (excommunication ) cho nhau vì những khác biệt không thể hàn gắn. Từ đó, danh xưng “chính thống” (orthodoxy) lại được dùng để chỉ Giáo Hội Hy Lạp ở Constantinople đã ly khai, không còn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo La Mã. Sau này, Giáo Hội “Chính Thống” Hy Lạp ở Constantinople đã lan ra các quốc gia trong vùng như Thổ nhĩ Kỳ, Nga, Albania, Estonia, Cyprus, Finland, Latvia, Lithuania, Rumania, Bulgaria, Serbia, Ukraina…Mỗi quốc gia này cũng có Giáo Hội Chính Thống riêng rẽ và độc lập về mọi phương diện. Mỗi Giáo Chủ cai quản một Giáo Hội tự trị và không có một vị lãnh đạo chung của các Giáo Hội này. Danh xưng chung là các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodox Churches) tách khỏi khỏi Giáo Hội Công Giáo Roma (Tây Phương).

4. Khác biệt giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống:
Ở đây, tôi xin nêu lên vài khác biệt giữa Giáo Hội Công Giáo Roma và các Giáo Hội Chính Thống:

1. Giáo Hội Chính Thống không đồng ý với Giáo Hội La Mã về từ ngữ Latinh “Filioque”, tức là tuyên xưng Chúa Thánh Thần bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, như đọc trong Kinh Tin Kinh Nicea.

2. Giáo Hội Chính Thống không công nhận quyền bính và vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng.

3. Giáo Hội Chính thống dùng bánh có men trong phụng vụ trong khi Giáo Hội Công Giáo dùng bánh không men trong Thánh Lễ.

4. Giáo Hội Chính Thống không buộc các linh mục giữ luật độc thân trong khi Giáo Hội Công Giáo buộc luật này cho hàng giáo sĩ (linh mục, giám mục, Giáo Hoàng)

5. Ngôn ngữ trong phụng vụ của Giáo Hội Chính Thống là tiếng Hy lạp, trong khi Giáo Hội Roma dùng tiếng La tinh trước đây và ngày nay có thể xử dụng ngôn ngữ địa phương.

6. Các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương không công nhận các tín điều về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Immaculate Conception) và Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (Assumption) mặc dù họ vẫn tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Lý do là vì họ không công nhận vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng, nên họ đã bác bỏ mọi tín điều được các Đức Giáo Hoàng công bố với ơn bất khả ngộ mà Công Đồng Vaticanô I (1870) đã nhìn nhận. Trở ngại lớn nhất cho sự hiệp nhất giữa hai Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo cho đến nay là các Giáo Hội Chính Thống không công nhận quyền bính và vai trò lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ của Đức Giáo Hoàng Rôma.

5. Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống hòa giải
Sau nhiều cố gắng để hiệp nhất giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống, ngày 5.12.1064, ĐGH Phaolô VI tiếp Đức Thượng Phụ Athenagoras I tại Giêrusalem bằng cái ôm hôn đầu tiên, đại diện các tòa tông truyền Rôma và Constantinople, do hai anh em ruột là Thánh Phêrô và Thánh Andrê thiết lập, kể từ khi Đức Eugiêniô IV và Thượng Phụ Giuse II gặp nhau tại cuộc hội ngộ của Công Đồng Florence tháng Ba năm 1438. Thượng Phụ Athenagoras I gọi cuộc gặp gỡ này “là tia sáng đầu tiên của một ngày hạnh phúc khi các thế hệ tương lai sẽ tiếp nhận sự hiệp thông với Mình và Máu Thánh Chúa chúng ta từ cùng một chén thánh”. Để làm quà, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tặng Thượng Phụ Athenagoras I một chén thánh bằng vàng.

Vào ngày gần kết thúc Công Đồng Vatican, tức ngày 7 tháng 12 năm 1965, một phái viên của Thánh Công Đồng Constantinople viếng Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, và một phái viên của Đức Giáo Hoàng, là ĐHY Lawrence Shehan của Baltimore, đã viếng Nhà Thờ Chính Tòa Chính Thống Giáo St George tại Istanbul. Các vị đem theo mình một tuyên bố chung của Đức Phaolô VI và của Đức Athenagoras I, nói rằng “chúng tôi muốn hủy bỏ khỏi ký ức Giáo Hội và khỏi tâm trí Giáo Hội án tuyệt thông [lẫn nhau] được công bố hồi ấy [năm 1054], và muốn chôn nó trong quên lãng”.

Giữa những trở ngại cho việc phát triển tình liên đới huynh đệ, lòng tín nhiệm và quý mến giữa Công giáo và Chính thống, có bóng dáng những kỉ niệm buồn, những quyết định và văn bản năm 1054, các bản vạ tuyệt thông.

Đức Giáo Chủ Phaolô VI và Đức Giáo Chủ Athenagoras trong hội nghị đã cùng nói lên ước muốn được nhau cùng phục vụ công lý và hợp nhất đức ái các tín hữu của mình, đã nhắc lại lời của Chúa Giêsu: ” Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,23-24), hai vị cùng tuyên bố như sau :

a. Hối tiếc về những lời xúc phạm, những lời trách cứ thiếu nền tảng và những hành vi đáng lên án của cả hai phía, trong và sau những biến cố đáng buồn đó.

b. Hối tiếc và xin xóa đi trong ký ức những bản vạ tuyệt thông lẫn nhau. Nó vốn đang là trở ngại chính cho việc xích lại gần nhau trong đức ái, chớ gì chúng được quên đi.

c. Hối tiếc về những điều đáng buồn trước đó và những biến cố sau này, chịu tác động bởi nhiều nguyên cớ, nhất là vì thiếu hiểu biết và coi thường lẫn nhau đã đưa đến việc cắt đứt mối hiệp thông của Giáo hội.

Qua việc công khai tha thứ cho nhau, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Đức Thượng Phụ Athenagoras I đều ý thức rằng chưa đủ để chấm dứt những dị biệt xưa và nay. “Nhưng dưới tác động của Thánh Linh, những dị biệt ấy phải được vượt qua, nhờ sự thanh luyện tâm hồn; nhờ ý thức những sai lầm lịch sử và nhờ ước vọng được hiểu biết và diễn tả chính xác hơn niềm tin các tông đồ.”

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP