Thánh Giá Chúa Kitô
1.Ý nghĩa Thánh Giá
Qua bài trình bầy về lịch sử và ý nghĩa Thập Giá, chúng ta đã biết Thập Giá hay cái “giá” hình chữ “thập” mà các tử tội bị đóng đinh theo luật La Mã. Chúa Giêsu cũng bị đóng đinh và chịu chết như vậy. Tuy nhiên, Chúa Giêsu là Đấng vô tội đã chết thay cho người tội lỗi nên Người được tôn vinh là Đấng Cứu Chuộc nhân loại, là nguồn ơn cứu rỗi cho mọi người. Thập giá của Người được tôn kính như biểu tượng của ơn cứu chuộc. Vì thế, Thánh Giá trở nên thánh tích cao quí nhất vì nó biểu tượng cho Chúa Giêsu.
Ngay từ thời Giáo Hội tiên khởi bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất, các tín hữu Kitô tỏ lòng kính mếnThánh Giá. Điều này làm gia tăng lòng đạo đức cũng như ảnh hưởng đến việc mở mang Kitô giáo ở khắp nơi. Các hoàng đế La mã tìm mọi cách để xóa bỏ đi những di tích lịch sử cũng như những biểu tượng Kitô giáo. Các tín hữu Kitô bị bách hại dữ dội trong gần 300 năm đầu tiên của lịch sử Giáo Hội. Hoàng đế Adriano (76 – 138), khi lên ngôi hoàng đế Roma (117 – 138) đã ra lệnh triệt hạ hay phá hủy các di tích về Đấng Cứu Thế, như nơi Chúa chịu khổ nạn, chịu chết và chôn táng. Vào năm 135, ông còn cho xây nhiều đền thờ ngoại giáo trên Mộ Thánh của Chúa Giêsu và không muốn tín hữu Kitô tôn kính Chúa Giêsu tại Thánh Địa.
Trước khi tuyên chiến với Maxentio, vua Constantino 1 (306 – 337) đã nhìn thấy xuất hiện trên trời điềm lạ “một thánh giá sáng ngời” với lời phán: “Dưới dấu chỉ này, người sẽ chiến thắng – In hoc signo vinces”. Vua ra lệnh giương cao “dấu Thánh Giá – signum Crucis” làm cờ hiệu và đã chiến thắng quân Maxentio tại cầu Milvio vào ngày 28.10.312. Vua nhìn nhận đó là “dấu chỉ Thiên Chúa ban ơn”, nên đã ra lệnh dep bỏ mọi hình thức bắt đạo qua sắc lệnh Milan năm 313. “Kitô Giáo là tôn giáo chính thức của hoàng triều Roma. Sau đó, vua Constantino và mẹ là bà Helena đón nhận đức tin Kitô.
2. Tìm kiếm Thánh Giá
Vì lòng kính mến Chúa Giêsu Cứu Thế và nhiệt thành trong việc tôn kính Thánh Giá Chúa, năm 326 bà đi hành hương tại Thánh Địa khi 80 tuổi. Bà cộng tác chặt chẽ với Đức Cha Macario, Giám Mục thành Giêrusalem, để tiến hành tìm kiến những thánh tích Chúa Giêsu tại Thánh Địa. Dựa theo các nguồn thông tin, bà cho đào bới tại chân núi Calvario và đã tìm được các di tích về nơi Chúa bị khổ nạn, chịu đóng đinh, chịu chết và chôn táng trong mộ. Thành công lớn lao nhất là tìm được ba cây Thập Giá: một của Đức Kitô và hai của hai tên trộm. Theo tài liệu về Thánh địa: Nhờ phép lạ cứu sống một bệnh nhân đang hấp hối và một người đã chết được sống lại, khi mỗi người chạm đến gỗ Thánh, Đức Giám Mục Macario xác định là Thánh Giá thực trên đó Chúa Giêsu đã bị đóng đinh. Bà thánh Helena (255-328) cho xây cất hai đền thờ, một tại núi Calvario và một tại Mộ Thánh ở Thánh Địa. Lễ khánh thành và cung hiến hai đền thờ này được tổ chức trọng thể tại Giêrusalem vào hai ngày 13 và 14 tháng 9 năm 326.
3. Suy tôn Thánh Giá
Lễ Suy Tôn Thánh Giá được thiết lập tại Giêrusalem vào 14.9.629 theo chứng từ sau: Vào thế kỷ thứ 6, khi giặc giã nổi lên, vua Ba Tư Khosroès 1 (531 – 579), đem quân đến Cận Đông và đánh thắng quân của đế quốc Roma ở Phương Đông, chiếm đóng và tàn phá Thánh Địa, rồi cướp luôn cả Thánh Giá thực ở Giêrusalem. May thay, lúc ấy có ông Heraclius (575 – 641), vị tướng tài giỏi mới 35 tuổi, con của tổng trấn thành Carthage, đã lật đổ bạo chúa Phocas, rồi lên nắm quyền ở Constantinopoli ngày 3.10.610, và làm hoàng đế Byzantin, lấy hiệu là vua Heraclius 1 (610 – 641). Ông đã anh dũng điều khiển trận đánh và chiến thắng đầu tiên ngày 12.12.627. Ông rượt đuổi vua Khosroès 1 đến Ctésiphon, và tại đây, con trai của Khosroès là Siroes Shirva đã giết cha và giao nộp Thánh Giá thật lại cho vua Heraclius 1. Năm 629, Thánh Giá được kiệu về Constantinopoli, rồi từ đó rước khải hoàn về Giêrusalem. Vua Heraclius 1 muốn vác Thánh Giá vào đền thờ để tạ ơn Chúa. Ông mặc vương phục và vương miện. Nhưng khi vác Thánh Giá lên vai, ông thấy quá nặng. Tức thì, Đức Giáo Trưởng Giêrusalem Zacharias liền nói với vua: “Xin hoàng đế thận trọng vì với vương miện và vương phục vương quyền mà ngài đang mặc, ngài không phù hợp để vác Thánh Giá giống như thân phận khó nghèo, khiêm tốn của Chúa Giêsu Kitô.”
Nhà vua nghe theo lời Đức Giáo Chủ, bỏ hết mũ miện, vương phục. Tức thì gỗ Thánh Giá trở nên nhẹ nhàng và Heraclius 1 vác Thánh Giá gỗ vào đền thờ. Với gỗ Thập Giá Thánh, Thiên Chúa còn ban nhiều phép lạ, trong số có một người chết được sống lại; bốn người bất toại được lành bệnh; mười người phong cùi được trở nên sạch sẽ, bình phục; mười lăm người mù được sáng mắt; vô số người bị quỷ ám được giải thoát…” (Abbé L. Jaud, Vie des Saints, 1950).
Lòng yêu mến và tôn kính Thánh Giá đã có từ lâu đời trong Giáo Hội, nhất là trong thời gian đầu của Giáo Hội sơ khai. Văn hào Tertuliano cho biết: “Bất kỳ làm một việc gì có ý nghĩa, người Kitô hữu đều làm dấu Thánh Giá.” Thậm chí người Kitô hữu có thói quen làm dấu Thánh Giá trên người và vật như dấu chỉ sự chúc lành. Sự tôn kính Thánh Giá đã có từ lâu đời trong Giáo Hội Giêrusalem, đó là nghi thức Suy Tôn Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Nghi thức này được cử hành trong các Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương. Sau đó, Đức Giáo Hoàng Gregorio (590 – 604) đưa vào Phụng Vụ Roma như nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh ngày nay. Ý nghĩa của phụng vụ là biểu dương và tôn vinh “Gỗ thập giá”, với 3 lần tung hô long trọng: Đây là gỗ Thánh Giá nơi treo Đấng cứu độ trần gian. (Ecce lignum crucis in quo salus mundi pependit) Cộng đoàn đáp: Chúng ta hãy đến thờ lạy (Venite adoremus). Suy tôn Thánh Giá có ý nghĩa nhất là khi sốt sáng làm dấu Thánh Giá, khi suy gẫm về cuộc Thương khó Chúa Giêsu, khi suy gẫm những chặng đường Thánh Giá, mang ảnh Thánh Giá trong người, và việc tôn kính Thánh Giá trong gia đình.
4. Làm Dấu Thánh Giá
Nguồn gốc: Nội dung của dấu Thánh Giá đã có từ sách Tin Mừng (x. Mt 28,19). Ý nghĩa cứu độ của dấu Thánh Giá cũng có thể đã được tiên báo nơi “dấu vượt qua” và “dấu cứu thoát” tìm thấy ở sách Xuất hành (Xh 17,9-14) và sách Khải huyền (Kh 7,3;9,4;14,1).
Từ thời các thánh Tông Đồ, các Kitô hữu bắt đầu làm dấu Thánh Giá và coi đây là dấu hiệu mang lại phúc lành và sự che chở. Theo lịch sử, dấu Thánh Giá chắc chắn đã có vào thời giáo phụ Tertulianô (160-220), vì ngài đã căn dặn các tín hữu làm điều đó: “Trong mọi cuộc hành trình và mỗi lần di chuyển, lúc đến cũng như lúc đi, khi xỏ giày dép cũng như khi tắm rửa, ăn uống, thắp đèn, đứng ngồi, ngủ nghỉ, hoặc bất cứ một hoạt động nào khác, chúng ta hãy ghi dấu Thánh Giá trên trán”. Sau đó, thánh Cyrilô thành Giêrusalem (315-387) cũng kêu gọi các tính hữu hãy siêng năng làm dấu Thánh Giá: “Chúng ta đừng e thẹn tuyên xưng Đấng chịu đóng đinh. Hãy ghi dấu Thánh Giá trên trán, hãy làm dấu Thánh Giá trên mọi nơi, trên bánh ăn, trên nước uống. Hãy làm dấu Thánh Giá khi đi về, trước khi ngủ, khi nằm xuống, khi thức dạy, khi ra đi, khi nghỉ ở nhà” Thánh Giáo phụ Gioan Kim Khẩu (347-407) cũng dạy rằng: “Trong mỗi hành động, mỗi bước đi, hãy giơ tay làm dấu Thánh Giá. Hãy đóng chặt cánh cửa tâm hồn và hãy bảo vệ làm dấu Thánh Giá trên đầu óc bạn bằng việc ghi dấu Thánh Giá trên trán. Dấu này sẽ xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật tâm hồn. Dấu này là vũ khí bách chiến bách thắng, là tường lũy vững vàng, là khiên mộc chở che vững chắc”.
Ý nghĩa: Người Công giáo làm dấu Thánh Giá khi bắt đầu ngày mới, khi cầu nguyện, khi ăn cơm, khi gặp khó khăn, thử thách hoạc bị cám dỗ, trước khi làm một việc quan trọng (GLHTCG 2157, 2166). Việc ghi dấu Thánh Giá giúp ta: – tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi; – bày tỏ niềm xác tín vào ơn cứu độ được thực hiện nơi Thánh Giá Chúa Kitô; – cầu xin ơn phúc và trợ giúp.
Thực hành: Một cách chi tiết hơn, ghi dấu Thánh Giá trên trán để nhắc nhở ta về Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời và xin Ngài soi sáng tâm trí; ghi dấu Thánh Giá trên ngực để nhắc nhớ rằng Chúa ngự trong hồn ta và xin Ngài thánh hóa tâm hồn; ghi dấu Thánh Giá trên hai vai để nhắc nhớ ta rằng Chúa Kitô ngự bên Thiên Chúa Cha hằng chuyển cầu và ban Thánh Thần trợ giúp chúng ta trong mọi hoàn cảnh.
Dấu Thánh Giá đơn: Nhân Danh Cha (đưa tay phải lên trán), và Con (đưa tay xuống giữa ngực) và Thánh Thần (đưa tay qua vai trái rồi đưa qua vai phải). Amen (chắp tay lại).
Dấu Thánh Giá kép: Lạy Chúa chúng con, vì dấu Thánh Giá (ngón tay cái tay phải ghi + trên trán), xin chữa chúng con (+ trên môi), cho khỏi kẻ thù (+ giữa ngực). Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen. Dấu kép ghi Thánh Giá trên trán, miệng, ngực để xin Chúa chúc lành và thánh hóa cùng gìn giữ toàn thể con người chúng ta. Lạy Chúa chúng con, vì dấu Thánh Giá, xin chữa chúng con “cho khỏi kẻ thù”: + trên trán (suy nghĩ), + trên môi (ngôn ngữ) và + trên ngục (tình cảm).
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP