TÔN KÍNH ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Tháng Mân Côi Tuyệt Vời
Lm. Trần Ngọc Diệp CMF và Lm. Nguyễn Tất Thắng O.P

‘Lòng hiếu thảo của Giáo Hội đối với Trinh Nữ Maria là điều nội tại của việc phụng tự Kitô giáo. Mẹ Maria được tôn kính một cách chính đẳng trong Giáo Hội bằng một phụng tự đặc biệt. Thật vậy, từ xa xưa, Trinh Nữ Maria đã được tôn kính dưới huy hiệu ‘Mẹ Thiên Chúa’. Các tín hữu chạy đến xin Mẹ che chở và kêu cầu Mẹ trong những lúc gian nan và trong mọi lúc khốn khó…Sự tôn kính Mẹ Maria được bầy tỏ nơi các lễ phụng vụ dành cho Mẹ Thiên Chúa và trong các kinh thánh mẫu, như kinh Mân Côi được coi là ‘bản tóm tắt của toàn bộ Phúc Âm.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành Tông Thư ‘Kinh Mân Côi Kính Đức Trinh Nữ Maria’ – ‘Rosarium Virginis Mariae’ dịp khai mạc Năm Mân Côi (từ tháng 10, 2002 đến tháng 10, 2003), để tôn kính Đức Trinh Nữ Maria và để cầu nguyện cho hòa bình trong gia đình và trên thế giới. Trong dịp này, ĐGH bầy tỏ lòng sùng kính và tri ân Mẹ Maria, Thánh Mẫu Thiên Chúa đã che chẻ cuộc đời của người, đặc biệt là sứ vụ giáo hoàng trong 25 năm (16.10.1978-2003). Người viết: Tôi đã đặt những năm đầu của triều giáo hoàng trong nhịp sống hằng ngày của Kinh mân côi. Hôm nay, khi bắt đầu năm thứ 25 phục vụ trong tư cách người kế vị thánh Phêrô, tôi muốn làm lại cũng một điều đó. Biết bao nhiêu ơn lành tôi đã lãnh nhận được trong những năm tháng này từ Đức Thánh Trinh nữ qua Kinh mân côi: Magnificat anima mea Dominum! Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Tôi muốn dâng lời cảm tạ lên Chúa bằng những lời kinh của Mẹ rất thánh của Người, dưới sự che chở của ngài, tôi đã đặt công việc phục vụ giáo hoàng của tôi: Totus Tuus – Con hoàn toàn thuộc về Mẹ!

I. KINH MÂN CÔI
1. Kinh Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Maria đơn sơ nhưng sâu sắc: lời kinh này vẫn là một lời kinh có ý nghĩa lớn lao vào buổi hừng đông của Ngàn năm thứ ba này, vì mang lại hoa quả thánh thiện. Kinh Mân Côi là một lời kinh được vô vàn các vị thánh yêu thích và được các Giáo hoàng khuyến khích qua các thời đại. Khi ta cầu xin Mẹ qua Kinh Mân Côi, ta cùng với Mẹ tuân theo thánh ý của Chúa Cha đã sai Con Ngài xuống thế cứu vớt mọi người. Chúng ta cầu xin Mẹ và cầu xin với Mẹ để được cộng tác với Con của Mẹ. Như thế, lời Kinh Mân Côi của cá nhân cũng như của cộng đoàn trở thành lời kinh nguyện của Giáo Hội, được dâng lên cho Mẹ và được kết hợp với lời cầu nguyện của Mẹ để tôn vinh Thiên Chúa.

2. Kinh Mân Côi trợ giúp cuộc hành trình thiêng liêng của đời sống kitô hữu: Kitô hữu cảm thấy được Thánh Thần Thiên Chúa lôi kéo chèo ra chỗ sâu (duc in altum!) để một lần nữa loan báo, và cả đến hô to lên, trước thế gian rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa và Đấng Cứu độ, là đường, sự thật và sự sống (Ga 14,6). Kinh Mân Côi giáo dục đời sống chiêm ngưỡng cá nhân, cộng đoàn và công cuộc phúc âm hoá mới: Kinh Mân Côi chính là một hành trang và phương tiện “bỏ túi” (đeo tay hoặc đeo cổ) gọn nhẹ giúp thánh hóa bản thân, gia đình và xã hội. Kinh Mân Côi cũng như một điện thoại di động, nối kết đời ta vào mạng đời sống tâm linh.

3. Kinh Mân Côi giúp ta hướng tới Chúa Kitô: Qua Mẹ Maria, ta chiêm niệm 20 mầu nhiệm về cuộc đời và công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu. Thánh Giáo Hoàng Phaolô 6 trong Tông huấn Tôn kính Đức Maria đã gọi Kinh Mân Côi là “cuốn Phúc Âm rút gọn.” Qua lời kinh ấy vang vọng lại lời kinh của Đức Maria, kinh Magnificat ca ngợi việc Nhập thể cứu chuộc đã khởi sự trong cung lòng trinh khiết của ngài. Với Kinh Mân Côi, dân Kitô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Kitô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua Kinh mân côi các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế.

4. Kinh Mân Côi giúp ta chiêm ngưỡng Chúa Kitô qua Mẹ Maria: Không ai đã say sưa chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô một cách trung thành như Đức Maria. Đôi mắt tâm hồn của Mẹ đã hướng về Người ngay từ lúc Truyền tin, khi Mẹ cưu mang Người nhờ quyền năng Thánh Thần. Từ giây phút đó, Mẹ bắt đều cảm nhận sự hiện diện của Người và hình dung ra diện mạo của Người. Cuối cùng, khi hạ sinh Người tại làng Bêlem, đôi mắt Mẹ đã âu yếm nhìn ngắm dung nhan Con Mẹ, khi Mẹ lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ (Lc 2,7). Từ đó, đôi mắt chan chứa sự tôn thờ và kinh ngạc của Mẹ không bao giờ rời xa Người. Có khi là một cái nhìn thắc mắc, như trong trình thuật đi tìm Đức Giêsu thất lạc trong Đền thờ: Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? (Lc 2,48).Có khi là cái nhìn xuyên thấu có khả năng thấu hiểu tâm tư của Đức Giêsu, đến nỗi Mẹ hiểu được những tình cảm sâu kín của Người và biết trước những quyết định của Người như tại tiệc cưới Cana (x. Ga 2,5). Có khi lại là một cái nhìn đau buồn, đặc biệt khi Mẹ đứng dưới chân Thánh giá, nơi đó cái nhìn của Mẹ vẫn luôn là cái nhìn của một người mẹ trao ban sự sống, vì Mẹ không chỉ chia sẻ cuộc khổ nạn và cái chết của Con Mẹ, nhưng Mẹ cũng còn đón nhận người con mới được trao ban cho Mẹ qua người môn đệ yêu dấu (x. Ga 19, 26-27). Cái nhìn của Mẹ toả rạng niềm vui Phục sinh vào sáng ngày Phục sinh. Cái nhìn của Mẹ rực cháy vì được tràn đầy Thánh thần vào ngày lễ Ngũ tuần, (x. Cv 1,14).

5. Kinh Mân Côi là chiêm ngưỡng Chúa Kitô với Mẹ Maria: Chiêm ngưỡng của Đức Maria trước tiên là một tưởng niệm. hoặc hồi tưởng: làm cho các kỳ công của Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ nên hiện diện. Kinh Thánh là một sưu tập các biến cố cứu độ với cao điểm là chính Đức Kitô. Những biến cố này không chỉ liên hệ đến ngày hôm qua; chúng cũng là thành phần của ngày hôm nay của ơn cứu độ. Kinh Mân Côi cũng thế, như một suy niệm với Đức Maria về Đức Kitô, là một chiêm ngưỡng đem lại ơn cứu độ. Bằng cách nhận chìm chúng ta vào các mầu nhiệm của đời sống Đấng Cứu chuộc, Kinh Mân Côi bảo đảm rằng điều Người đã làm và điều mà Phụng vụ hiện tại hoá cũng thấm nhập sâu xa và uốn nắn đời sống chúng ta.

6. Kinh Mân Côi là học hỏi vể Đức Kitô từ Mẹ Maria: Từ quan điểm của Thiên Chúa, Thánh Linh là vị Thầy nội tâm dẫn đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn của Đức Kitô (x. Ga 14,26; 15,26; 16,13). Nhưng trong số các tạo vật, không ai biết rõ hơn Đức Kitô bằng Đức Maria; không ai có thể dẫn chúng ta đến một sự hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm của Người hơn là Mẹ của Người. Chiêm ngưỡng các hoạt cảnh của Kinh Mân Côi trong sự thông hiệp với Đức Maria là một cách thế học hỏi từ ngài để đọc Đức Kitô, để khám phá các bí ẩn của Người và hiểu sứ điệp của Người. Khi chúng ta chiêm ngưỡng mỗi mầu nhiệm trong cuộc đời của Con của Mẹ, Mẹ mời gọi chúng ta hành động như Mẹ đã làm khi truyền tin: khiêm tốn đặt ra những câu hỏi mở lòng chúng ta ra với ánh sáng, hầu kết thúc bằng sự vâng phục của đức tin: Này tôi là nữ tì của Chúa; xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói (Lc 1,38).

II. KINH MÂN CÔI THÁNH HÓA
1. Thánh hóa cá nhân
Nhờ Kinh Mân Côi, ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô cùng với Mẹ Maria: Linh đạo kitô giáo được phân biệt bởi sự dấn thân của người môn đệ để trở nên đồng hình đồng dạng ngày càng hoàn hảo hơn với Thầy của mình (x. Rm 8, 29; Pl 3,10.12). Việc tuôn đổ Thánh Thần trong bí tích Thánh tẩy tháp nhập người tín hữu như một cành nho vào thân nho là Đức Kitô (x. Ga 15,5) và biến họ thành chi thể của Thân mình mầu nhiệm Đức Kitô (x. 1Cr 12,12; Rm 12,5). Hành vi cử chỉ của người môn đệ được uốn nắn cho phù hợp với tâm tình của Đức Kitô: Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. (Pl 2,5). Nói như thánh Tông đồ, chúng ta được mời gọi mặc lấy Chúa Giêsu Kitô (x. Rm 13,14; Gl 3,27).

Tất cả sự hoàn thiện của chúng ta hệ tại ở việc nên đồng hình đồng dạng, kết hiệp và hiến thánh cho Chúa Giêsu Kitô. Vì thế tính cách hoàn hảo nhất của mọi việc đạo đức không nghi ngờ gì nữa là biến đổi, kết hiệp và tận hiến chúng ta cách hoàn hảo nhất cho Chúa Giêsu Kitô. Vậy, bởi vì Đức Maria là một trong các tạo vật nên đồng hình đồng dạng nhất với Đức Giêsu Kitô, hệ quả là trong số các việc đạo đức, lòng sùng kính Đức Maria, Mẹ thánh thiện của Người, là việc đạo đức có khả năng hiến thánh và làm cho một linh hồn nên đồng hình đồng dạng với Chúa hơn cả, và một linh hồn càng hiến thánh cho Mẹ sẽ càng được hiến thánh cho Chúa Giêsu Kitô.Không nơi nào bằng Kinh Mân Côi, cuộc sống của Chúa Giêsu và của Đức Maria xuất hiện liên kết sâu xa như thế. Đức Maria chỉ sống trong Đức Kitô và cho Đức Kitô!

Kinh Mân Côi là phương thế giúp người người vững bước trên đường nên thánh. Khi nêu lên hiệu quả thánh hóa của Kinh Mân Côi trong nhịp sống Giáo Hội. Kinh Mân Côi chính là lời kinh diệu kỳ dâng qua Đức Mẹ tới Chúa Giêsu để ta vững bước đi trên đường nên thánh. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gợi lại những lời kêu gọi của Đức Mẹ trong những lần hiện ra tại Fatima (1917): – Cải thiện đời sống – Đọc kinh Mân Côi – Tôn sùng Trái Tim Mẹ. Kinh Mân Côi là phương tiện cần thiết và ích lợi để nên thánh.

a. Kinh Mân Côi chính là vũ khí giúp ta chống lại ba thù “ma quỷ, thế gian, xác thịt”, chết cho tội lỗi để sống cho Chúa, lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa. Ta nên thánh nhờ tuân giữ luật Chúa tóm gọn trong giới luật mến Chúa và yêu người”.

b. Kinh Mân Côi giúp ta suy niệm và cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ trong đời sống. Thánh Louis và thánh Piô Năm Dấu Thánh đều xác quyết: Để trở nên hoàn thiện, hãy đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày. Thánh Louis De Montfort giải thích sự khác biệt giữa việc đọc Kinh Mân Côi cá nhân và cộng đoàn như sau: Ai đọc Kinh Mân Côi một mình thì chỉ lập được một tràng Mân Côi, nhưng nếu lần hạt chung với 30 người khác thì lập công 30 tràng hạt Mân Côi. Luật của cầu nguyện chung là như thế. Phúc lợi bao nhiểu tiện ích biết mấy!

c. Kinh Mân Côi giúp ta tôn kín và tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria để rổi nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, ta đền tạ Trái Tim Rất Thánh Chúa Giêsu dang bị xỉ nhục nặng nề.

2. Thánh hóa gia đình
Việc đọc kinh Mân Côi là một việc đạo đức đã có lâu đời trong Giáo Hội Công Giáo. Trong các chủng viện, tu viện thường có thói quen lần chuỗi Mân Côi chung hàng ngày. Nhiều giáo dân cùng lần chuỗi Mân Côi hàng ngày. Qua các thời đại, các Đức Giáo Hoàng đều cổ võ việc lần Chuỗi Mân Côi trong gia đình.
“Gia Đình là nguyên tố xây dựng xã hội, mà ngày nay gia đình đang càng ngày càng bị những sức mạnh hủy diệt đe dọa, cả về phương diện ý thức hệ cũng như thực hành. Điều này đem đến nỗi lo cho tương lai của gia đình là nền tảng xã hội cũng như mối lo cho tương lai của toàn thể xã hội. Do đó, việc làm sống lại kinh Mân Côi trong gia đình công giáo là một công việc mục vụ rộng lớn, sẽ là một sức trợ giúp rất hữu hiệu để chống lại những tác động có tính cách hủy diệt qua các cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta.”

3. Kinh Mân Côi đem lại hòa bình
Kinh Mân Côi có nghĩa là chìm sâu vào việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Đức Kitô Đấng là bình an của chúng ta, bởi vì Người đã liên kết đôi bên thành một, và phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét (Ep 2,14). Kinh Mân Côi đem lại bình an cho tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta trở nên những ‘khí cụ bình an của Chúa’: “Kinh Mân Côi đem lại sự bình an nơi người cầu nguyện… và giúp họ gieo rắc chung quanh họ hòa bình đích thực, vốn là quà tặng đặc biệt của Chúa Giêsu Phục Sinh (Ga 14,27; 20, 21)… Bằng cách hướng con mắt tâm hồn chúng ta về Chúa Kitô, Kinh Mân Côi cũng biến chúng ta thành những người kiến tạo hòa bình thế giới.. Kinh Mân Côi cho phép chúng ta hy vọng rằng, ngay trong thời buổi này, công cuộc chiến đấu cho hòa bình sẽ dành phần thắng lợi…

Việc khám phá lại kinh Mân Côi có nghĩa là đi sâu vào việc chiêm ngưỡng Mầu Nhiệm Chúa Kitô, là Bình An của chúng ta; bởi vì Người đã liên kết đôi bên thành một, và phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù hận (Thơ Ephêsô 2,14). Vì thế chúng ta không thể đọc Kinh Mân Côi mà không cảm thấy sự thôi thúc dấn thân một cách cụ thể để xây dựng hòa bình…” Kinh Mân Côi không hề là một cơ hội để chúng ta tránh né những vấn đề của thế giới, trái lại kinh Mân Côi thúc đẩy chúng ta nhìn thẳng vào những vấn đề của thế giới với con mắt của những con người có tinh thần trách nhiệm và quan tâm; đồng thời ban cho chúng ta nghị lực để đối phó với những vấn đề đó…”

4. Kinh Mân Côi giúp ta quan tâm người khác
Kinh Mân Côi còn giúp chúng ta biết nghĩ đến và ra tay giúp đỡ những con người nghèo khó và đau khổ trên thế giới này. Đức Thánh Cha viết: “Khi biết suy ngẫm đích thực, Kinh Mân côi dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa trong mầu nhiệm của Người, và vì thế, chúng ta không thể không quan tâm đến diện mạo Chúa Kitô nơi những người khác, nhất là những người đau khổ nhất. Làm sao chúng ta có thể chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Hài Nhi ở Bêlem trong Năm Sự Vui, mà lại không có lòng khao khát đón nhận, bảo vệ và cổ võ Sự Sống, và mang lấy gánh nặng của các trẻ em đang đau khổ trên thế giới này? Làm sao chúng ta có thể bước theo Chúa Kitô, Đấng Mạc Khải trong Mầu Nhiệm Sự Sáng, mà không cương quyết làm chứng cho các mối Phúc Thật của Người trong đời sống hàng ngày? Làm sao chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Kitô vác Thánh Gía và chịu đóng đinh mà không nhận thấy cần phải hành động như Ông Gìa Simon thành Xirênê để nâng đỡ những anh chị em đang quằn quại đau đớn trong ê chề thất vọng? Cuối cùng, làm sao chúng ta có thể chiêm ngắm vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh và của Đức Mẹ Maria, Nữ Vương thiên đàng, mà không khao khát làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, công bằng hơn, và theo sát hơn kế hoạch của Thiên Chúa?”

III. CẤU TRÚC KINH MÂN CÔI
1. Dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen.
(Ta mở đầu và kết thúc bằng việc tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi. Ở đây điều đầu tiên đáng ghi nhận là cách thức các chuỗi hạt đều đổ về tượng Thánh giá; Thánh giá vừa mở ra vừa đóng lại chuỗi lời kinh. Cuộc sống và lời cầu nguyện của người tín hữu đều tập trung vào Đức Kitô. Mọi sự bắt đầu từ Người, mọi sự dẫn đến Người, mọi sự nhờ Người, trong Chúa Thánh Thần, đến với Chúa Cha)

2. Kinh Tin Kính (Kinh mân côi bắt đầu bằng việc đọc kinh Tin kính, như để đặt việc tuyên xưng đức tin làm nền tảng cho cuộc hành trình chiêm ngưỡng mà ta thực hiện)

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa GiêSu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh: chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công. Tôi tin phép tha tội tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

3. Đọc 3 Kinh Kính Mừng (nhắc nhở đến đức tin, đức cậy và đức mến)

4. Lởi Chúa về Mầu nhiệm thứ nhất – Ngắm thứ nhất
(Để việc suy ngắm có được một nền tảng Kinh Thánh và có chiều sâu hơn, sau khi xướng tên mầu nhiệm, cần công bố đoạn Kinh Thánh liên quan đến mầu nhiệm ấy, dài ngắn tùy theo hoàn cảnh. Không lời nào khác có thể sánh được tính hiệu nghiệm của Lời được linh hứng. Khi lắng nghe, chúng ta xác tín rằng đó là Lời Thiên Chúa, được công bố cho ngày hôm nay và cho tôi)

5. Thinh lặng (Lắng nghe và suy ngắm được nuôi dưỡng bằng thinh lặng).

6. Đọc Kinh Lạy Cha (Sau khi lắng nghe Lời Chúa và chú tâm vào mầu nhiệm, lòng trí đương nhiên được nâng lên cùng Chúa Cha. Trong mỗi mầu nhiệm, Đức Giêsu luôn luôn dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Cha, vì Người ở nơi cung lòng Chúa Cha (x. Ga 1,18), Người không ngừng hướng về Cha. Người mong muốn chúng ta chia sẻ đời sống thân mật của Người với Chúa Cha, đến nỗi chúng ta có thể cùng Người thân thưa: Abba, Cha ơi (Rm 8,15; Gl 4,6). Nhờ mối tương giao với Chúa Cha, Người làm cho chúng ta trở nên anh em và chị em của Người, đồng thời trở nên anh chị em với nhau, bằng cách thông ban cho chúng ta Thánh Thần của Người và cũng là Thánh Thần của Chúa Cha)
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

7. Đọc 10 Kinh Kính Mừng (việc chiêm ngắm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đồng hoá với mầu nhiệm Đức Kitô gắn liền với việc lặp đi lặp lại Kinh Kính mừng. Lặp đi lăp lại Danh Chúa Giêsu,Danh thánh duy nhất được ban cho ta hầu ta có thể hy vọng được cứu rỗi (x. Cv 4,12) trong sự liên kết mật thiết với danh của Thánh mẫu Người, và hầu như làm theo gợi ý của Mẹ, chúng ta bước đi trên con đường đồng hoá, tức là giúp chúng ta chìm sâu hơn vào đời sống của Đức Kitô)
Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen.

8. Đọc Kinh Sáng Danh (Vinh tụng ca Ba Ngôi là mục tiêu của mọi chiêm ngưỡng kitô giáo. Bởi vì Đức Kitô là con đường dẫn chúng ta đến Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta đi con đường ấy cho đến cùng, chúng ta gặp gỡ đi gặp gỡ lại mầu nhiệm của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng xứng đáng lãnh nhận mọi lời ca ngợi, thờ phượng và cảm tạ)
Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.

9. Đọc Lời nguyện Fatima
Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhầt là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.

10. Đọc các Mầu Nhiệm tiếp theo giống như Mầu nhiệm thứ nhất

11. Đọc Kinh Lạy Nữ Vương – Salve Regina (Ta cảm thấy nhu cầu cất lời ca ngợi Đức Trinh Nữ, bằng lời kinh tuyệt mỹ này hoặc bằng Kinh cầu Đức Bà)

Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ. Chúng con, con cháu E-và, ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

12. Đọc Kinh Trông Cậy
Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chửa chúng con cho khỏi mọi sự dữ, Amen.

13. Các Câu Lạy
Xướng: Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Đáp: Thương xót chúng con.
Xướng: Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Đáp: Cầu cho chúng con.
Xướng: Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Đáp: Cầu cho chúng con.
Xướng: Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Đáp: Cầu cho chúng con.
Xướng: Nữ Vương ban sự bằng an.
Đáp: Cầu cho chúng con.

14. Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng để hiệp nhất với ĐTC và toàn thể Giáo Hội hoàn vũ, để lãnh nhận Ơn Toàn Xá – dành cho chính mình hoặc cho các linh hồn. Kinh mân côi luôn được kết thúc bằng một lời kinh theo ý chỉ của Đức Giáo Hoàng, như để mở rộng tầm nhìn của người cầu nguyện hầu ôm ấp mọi nhu cầu của Giáo hội. Chính là để khuyến khích chiều kích Giáo hội này của Kinh mân côi mà Giáo hội thấy thích hợp khi ban những ân xá cho những ai lần hạt theo những quy định đề ra.

15. Làm Dấu Thánh Giá và Hôn Thánh Giá Chúa (với tâm hồn kính mến vì Chúa đã dùng Thánh giá mà chuộc tội thiên hạ).

IV. CÁCH ĐỌC KINH MÂN CÔI
Khi trao Kinh Mân Côi cho thánh Đa Minh, Đức Mẹ đã truyền cho thánh nhân phải cầu nguyện mỗi ngày, và hướng dẫn người khác cũng làm như vậy. Thánh nhân không bao giờ cho phép ai gia nhập Hội Mân Côi nếu họ không quyết tâm đọc lời kinh này mỗi ngày. Các đức giáo hoàng mời gọi toàn thể Giáo Hội hãy siêng năng dâng kính Mẹ những Tràng Hoa Mân Côi để cầu nguyện cho hòa bình nơi các gia đình, các cộng đồng, các dân tộc và trên toàn thế giới. Tất nhiên không phải chúng ta chỉ lần chuỗi Mân Côi vào Năm Mân Côi hay tháng Mân Côi, nhưng là hàng ngày, trong suốt cuộc đời.

Tự bản chất, việc đọc Kinh Mân Côi đòi hỏi một nhịp điệu thanh thản và kéo dài, để giúp mọi người chiêm ngắm các Mầu Nhiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu như được nhìn thấy bằng đôi mắt của Mẹ Maria, người đã sống hết sức gần gũi với Chúa. Bằng cách đó, sự phong phú khôn ví của các Mầu Nhiệm được bày tỏ.
ĐGH Gioan Phaolô 2 viết: “Việc suy ngẫm các Mầu nhiệm Chúa Kitô trong Kinh Mân Côi được thực hiện bằng một phương pháp đã lập ra để giúp ta đồng hóa với Mầu Nhiệm. Đó là phương pháp dựa trên việc lập đi lập lại. Việc lập đi lập lại trước tiên được áp dụng cho kinh Kính Mừng, được lập đi lập lại 10 lần trong mỗi Mầu Nhiệm. Nếu lời kinh này được lập đi lập lại một cách hời hợt, chắc chắn người ta sẽ có cám dỗ xem kinh Mân Côi như một việc đạo đức khô khan, nhàm chán. Trái lại, người ta sẽ không cảm thấy kho khan, nhàm chán nếu xem kinh Mân Côi, như một sự trao dâng của tình yêu không ngừng, hướng về Đấng mình yêu mến, với những cách diễn tả, tuy giống nhau về nội dung, nhưng luôn luôn mới mẻ về phương diện cảm hứng.”.

Khi đọc Kinh mân côi, ta thực hiện bốn chu kỳ liên hệ với nhau:

1. Công bố Lời Chúa:
Trước tiên, ta lắng nghe Lời Chúa để nhận ra những kỳ công Chúa đã thực hiện trong lịch sử, đặc biệt là 20 mầu nhiệm liên quan đến công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu nơi trần gian. Theo truyền thống: Ngày Thứ Hai ngắm Mùa Vui, ngày Thứ Ba: mùa Thương, Ngày Thứ Tư: Mùa Mừng, Ngày Thứ Năm: Mùa Mùa Sáng, ngày thứ Sáu: Mùa Thương, ngày Thứ Bảy: Mùa Vui, Chúa Nhật: Mùa Mừng. Ngoại trừ những ngày đặc biệt sau: Ngắm Mùa Vui trong những ngày Chúa Nhật Giáng Sinh. Ngắm Mùa Thương trong những ngày Chúa Nhật Mùa Chay.

2. Chiêm ngắm Chúa Giêsu và chiêm niệm sứ điệp cứu chuộc của Người:
Đọc Kinh Mân Côi giúp chúng ta ngắm nhìn chăm chú và tập trung tâm trí vào Chúa Giêsu, giống như Mẹ của Người, mẫu gương lớn nhất về việc chiêm ngắm Người Con. Chúa Thánh Thần soi sáng và dẫn dưa chúng ta tiến bước trên con đường hướng về Chúa Giêsu Kitô. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 nói trong Tông Thư Kinh Mân Côi: “Kinh Mân Côi là bản tóm lược toàn bộ sách Tin Mừng. Chúng ta có dịp suy ngắm suốt cuộc đời của Chúa Giêsu liên kết với Mẹ Maria trong các Mầu Nhiệm Cứu Chuộc.

Mùa Vui bắt đầu từ giờ phút vô cùng trọng đại ‘Thiên Thần Truyền Tin’ qua các biến cố ‘Viếng Thăm Bà Elizabeth’, ‘Sinh Chúa Giêsu nơi hang đá Bêlem’, ‘Dâng Chúa vào Đền Thờ’, ‘Tìm thấy Chúa trong Đền Thờ’.

Mủa Sáng gồm các biến cố chính trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Gio-đan; Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana do lời xin của Mẹ Maria; Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng và kêu gọi sám hối. Chúa Giêsu ‘hiển dung’ trên núi Tabor; Chúa Giêsu thành lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly trứơc khi bước vào cuộc khổ nạn.

Mùa Thương gồm các biến cố đau thương của Chúa Giêsu: Cầu nguyện trong thống khổ tại Vườn Cây Dầu; Chúa Giêsu chịu đánh đòn; Chúa Giêsu bị đội mão ga; Chúa Giêsu vác Thánh giá lên ‘Núi Sọ’; Chúa Giêsu chết trên thánh giá.

Mùa Mừng bao gồm các biến cố: Chúa Giêsu sống lại; Chúa Giêsu lên Trời; Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Đức Mẹ và các Tông Đồ; Đức Mẹ được đưa lên trời hồn xác; Đức Mẹ được vinh thưởng trên Nước Trời.

ĐGH Gioan Phaolô II cũng nhắc nhở chúng ta trong Tông Thơ về Kinh Mân Côi : “Kinh Mân côi phát xuất chính từ kinh nghiệm riêng của Đức Maria, nên là một lời kinh chiêm ngưỡng sâu sắc. Không có sự suy ngẫm sâu xa, kinh Mân côi sẽ như một cái xác không hồn, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhấn mạnh: ‘Không có sự chiêm ngẫm, kinh Mân Côi trở thành một cái xác không hồn, và việc lần chuỗi trở nên một việc nhai đi nhai lại một số công thức có tính cách máy móc, và như thế là vi phạm Giáo huấn của Chúa Kitô: ‘Khi cầu nguyện chúng con đừng lại nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng, cứ nói nhiều là được nhận lời (Mt. 6, 7).

3. Cầu nguyện với Chúa Giêsu cùng vối Mẹ Maria trong tâm hồn và trong lời kinh (tâm nguyện và khẩu nguyện).
Cùng với Mẹ Maria, chúng ta dâng lời nguyện để chúc tụng, thờ lập, ca ngợi, cảm tạ và tôn vinh Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Nhờ đọc Kinh Mân Côi, chúng ta được đón nhận dồi dào ân sủng từ Chúa Giêsu Con Mẹ Maria chí thánh. Cách vừa chiêm niệm vừa cầu nguyện có giá trị lớn lao, cầu nguyện Kitô giáo vươn lên đỉnh cao khi đầy yêu mến và kết hợp với Chúa Giêsu.

Đồng thời với việc suy ngắm các ‘Mầu Nhiệm’ cuộc đời của Chúa Giêsu nơi trần gian, chúng ta cũng dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria những lời kinh trọng đại ‘Lạy Cha’, ‘Kính Mừng’, ‘Sáng Danh’ cũng được lấy ra từ ‘Tin Mừng’. Do đó khi chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, chúng ta vừa thờ phượng Chúa, vừa tôn vinh và cầu nguyện với Đức Maria và tu luyện đời sống đạo đức của chúng ta để mỗi ngày nên tốt hơn, xứng đáng là những người con của Chúa và Mẹ Maria.

4. Cộng tác với Chúa Giêsu qua Mẹ chí thánh của Người:
Phúc thay kẻ lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28). Mẹ được chúc phúc không chỉ vì Mẹ cưu mang Chúa trong cung lòng, nhưng nhất là vì suốt đời Mẹ đã cưu mang Chúa trong tâm hồn. Chúa Thánh Thần giúp ta sống mầu nhiệm cứu chuộc qua việc chiêm niệm và giúp ta cộng tác vào công trình cứu chuộc bằng hành động bác ái. Thánh Phaolô diễn tả điều đó bằng những lời đầy lửa yêu mến: ‘Đối với tôi, sống là Chúa Kitô, và chết là một mối lợi’ (Thơ Philipphê 1,21); ‘Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi’ (Thơ Galat 2, 20). Như vậy kinh Mân Côi giúp chúng ta trở nên giống Chúa Kitô một ngày một hơn cho đến khi chúng ta đạt tới sự thánh thiện thật sự viên mãn.”

Kinh Mân Côi giúp mỗi người suy niệm các mầu nhiệm qua việc suy niệm, đọc kinh và sống liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô, Đấng là Đường, Sự Thật, Sự Sống. Qua Mẹ đến với Chúa Giêsu (Ad Jesum per Mariam). Đây chính là phương thức tụng niệm của Kinh Mân Côi, vừa đọc kinh vừa suy niệm. Khi đọc Kinh Mân Côi trở thánh thói quen, tất cả bốn tác động trở nên trôi chảy tự nhiên như một tác động duy nhất, xuyên xuất từ việc lắng nghe Lời Chúa đến việc thực hành lời Chúa trong cuộc sống. Qua cuộc sống, Lời Chúa soi sáng tâm trí chúng ta để trở nên giống Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng ta.

V. SUY NIỆM ĐƠN SƠ 20 MẦU NHIỆM KINH MÂN CÔI
1. Mầu nhiệm Sự Vui:
• Thứ nhất thì ngắm: Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.
• Thứ hai thì ngắm: Đức Đà đi viếng Bà Thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.
• Thứ ba thì ngắm: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu trong hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.
• Thứ tư thì ngắm: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền Thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.
• Thứ năm thì ngắm: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong Đền thánh. Ta hãy xin cho đươc giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

2 Mầu nhiệm Sự Thương:
• Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.
• Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.
• Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.
• Thứ tư thì ngắm: Đức Chúa Giêsu vác Thánh Giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa.
• Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá. Ta hãy xin đóng đanh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa.

3 Mầu nhiệm Sự Mừng:
• Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.
• Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.
• Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.
• Thứ tư thì ngắm: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.
• Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

4. Mầu nhiệm Sự Sáng:
• Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.
• Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.
• Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.
• Thứ tư thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành lời Chúa.
• Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.

Doanload PDF file toàn bài