TÔN KÍNH MẸ MARIA

QUA SỨ ĐIỆP ĐỨC MẸ FATIMA TRAO CHO THẾ GIỚI
(Lm. Jos. Trần Ngọc Diệp, CMF và Lm. Jos. Nguyễn Tất Thắng, OP)

I. Tôn kính Đức Maria trong Giáo Hội
Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Ðức Maria được tôn vinh, sau Chúa Con, vượt trên hết các thiên thần và loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô; do đó Ngài đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính. Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Ðức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Ngài trong mọi cơn gian nan khốn khó 21. Nhất là từ công đồng Ephêsô, Dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng tôn kính Ðức Maria cách lạ lùng: họ sùng kính mến yêu, cầu khẩn và noi gương đúng như lời Ngài đã tiên báo: “Muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại” (Lc 1,48-49).
Sự tôn kính ấy, như vẫn luôn có trong Giáo Hội, tuy hoàn toàn đặc biệt, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với sự thờ phượng dâng lên Ngôi Lời nhập thể và lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; việc tôn kính Ðức Maria khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo Hội đã chấp nhận nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa, trong giới hạn của giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo hoàn cảnh, thời gian và nơi chốn, hợp với tính khí cùng tinh thần của tín hữu; những hình thức ấy, qua việc tôn vinh Mẹ, cũng làm cho tín hữu nhận biết đúng đắn, yêu mến, làm vinh danh, và tuân giữ giới răn Chúa Con, vì Người mà muôn vật được tạo thành (x. Col 1,15-16) và nơi Người, Chúa Cha hằng hữu “muốn có đầy đủ mọi sự” (Col 1,19).(LG 66)
Tất cả mọi Kitô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Người đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các Thần Thánh trên trời, Người cũng cầu bầu cùng Con Mẹ trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia. (LG 69)

II. Biến cố Fatima năm 1916
Biến cố Fatima gồm 3 giai đoạn riêng biệt và rõ rệt. Giai đoạn 1: Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 thiếu nhi Luxia, Phanxicô và Giaxinta lần vào năm 1916 để sửa soạn cho việc Đức Mẹ hiện ra với các em. Giai đoạn 2: Đức Mẹ hiện ra 6 lần với ba thiếu nhi tại đồi Cova da Iria, nước Bồ Đào Nha vào những ngày 13.5, 13.6, 13.7, 19.8, 13.9, 13.10 trong năm 1917. Giai đoạn 3: Đức Mẹ Maria hiện ra riêng với chị Lucia, vào ngày 10.12.1925 ở Pontevedra, Tây Ban Nha, và lần thứ hai vào ngày 13.6.1929 ở Tuy, Tây Ban Nha.
Thiên thần hiện ra với 3 thiếu nhi năm 1916 qua 3 giai đoạn: Trong giai đoạn 1: Thiên Thần Hòa Bình hiện ra 3 lần: Vào ngày đầu tiên của năm 1916, trời bắt đầu mưa, 3 thiếu nhi là Luxia dos Santos 9 tuổi, và hai người em họ là Phanxicô Marto 8 tuổi và Giaxinta Marto 6 tuổi, đang trú mưa tại một hang, bỗng nhiên một vầng sáng trắng xuất hiện trên đồng cỏ. Các em đã sửng sờ khi thấy một thanh niên trẻ đẹp trong y phục mầu trắng đứng giữa vầng sáng. Người thanh niên trong vầng sáng ấy nói với các em rằng: “Ðừng sợ, ta là Thiên Thần Hòa Bình. Hãy cùng ta cầu nguyện.” Ðoạn người quỳ xuống và cầu nguyện: “Lạy Chúa, con tin kính, con thờ lạy, con trông cậy và con yêu mến Chúa. Xin Chúa tha thứ cho những kẻ đã không tin kính, không thờ lạy, không trông cậy và không yêu mến Chúa.” Thiên Thần lại cúi đầu sâu hơn, và cầu nguyện ba lần như vậy, các em cũng lập lại lời cầu nguyện này với Thiên Thần.
Rồi vào một ngày mùa Hè cùng năm, đang khi các em vui đùa, Thiên Thần lại hiện ra với các em và bảo: “Hãy cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều. Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria đã dành cho chúng con đầy lòng thương xót. Hãy tiếp tục dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện và những hãm mình. Hãy biến mọi việc làm thành những hy sinh dâng lên Thiên Chúa để đền bù tội lỗi đã xúc phạm đến Người, và cầu cho kẻ có tội ăn năn trở lại. Bằng phương thế này, hòa bình sẽ đến với quê hương các con… Ta là Thiên Thần bản mệnh của nước Bồ Ðào Nha. Hãy đón nhận và vui lòng chịu đựng mọi thử thách Chúa sẽ gửi đến cho các con.”
Vào mùa Thu năm cùng năm, Thiên Thần lại hiện đến cùng các em. Trong lần hiện ra thứ ba này các em thấy Thiên Thần một tay bưng một chén Thánh, một tay cầm Mình Thánh Chúa, các em đã nhìn thấy những giọt máu nhỏ xuống chén thánh. Ðể chén thánh và Mình Thánh Chúa lơ lửng trên không trung, Thiên Thần cung kính quỳ xuống đất và cầu nguyện: “Lạy Ba Ngôi Cực Thánh – Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần – con cung kính thờ lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa Mình và Máu cực thánh cực trọng, linh hồn và bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô đang ngự trong các nhà chầu trên khắp hoàn cầu để đền tạ vì những tội bội bạc, thờ ơ, xúc phạm đến Người. Nhờ công nghiệp vô cùng của Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu và Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria, xin Chúa cho kẻ có tội được ăn năn trở lại.”

III. Biến cố Fatima năm 1917
1. Đức Mẹ Hiện Ra Lần Thứ Nhất – Nữ Vương Thiên Đàng
Giáo hội hoàn cầu hân hoan mừng lễ Chúa Phục Sinh trong mùa Phục Sinh, vì vậy Giáo hội đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng để chia sẻ niềm hoan hỷ của Mẹ với Con chí thánh đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng là một lời ca tụng Đức Maria có từ thế kỷ 12. Kinh này được đọc thay kinh Truyền Tin trong mùa Phục Sinh và được qui định phải đọc trong các Giờ kinh Phụng vụ sau giờ kinh Tối từ thứ bẩy tuần Thánh cho đến thứ bảy sau lễ Hiện Xuống.
Xướng: Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng – Alleluia
Đáp: Vì đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng – Alleluia
Xướng: Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa – Alleluia
Đáp: Xin cầu cùng Chúa cho chúng con – Alleluia
Xướng: Lạy Nữ Đồng Trinh Maria hãy hỉ hoan khoái lạc – Alleluia
Đáp: Vì Chúa đã sống lại thật – Alleluia
Lời nguyện: Lạy Chúa, là đấng đã làm cho thiên hạ vui mừng qúa bội bởi Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Chúa cùng là Chúa chúng con đã sống lại; xin vì Đức Nữ Đồng Trinh Maria là Thánh Mẫu Người nguyện cầu cho chúng con được hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời dời. Vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Đức Trinh Nữ Maria được khẩn cầu với tước hiệu ” Nữ Vương”. Đây là một lễ mới được thành lập sau này, cả khi nó đã có nguồn gốc và lòng sùng kính cổ xưa. Lễ này đã được Đấng đáng kính Piô XII thành lập năm 1954, vào cuối Năm Thánh Mẫu, và chỉ định mừng ngày 31 tháng 5 (x. Ad ceali Reginam 11-10-1954; AAS 46 (1954), 625-640). Trong khung cảnh đó người nói rằng Đức Maria là Nữ Vương cao vượt hơn mọi thụ tạo khác vì sự cao trọng của linh hồn Mẹ và vì sự tuyệt hảo của các ơn thánh Chúa mà Mẹ đã nhận được. Mẹ không ngừng trải rộng mọi kho tàng tình yêu và các lo lắng của Mẹ cho nhân loại (Discorso in onore di Maria Regina 1-11-1954). Sau cuộc canh tân lịch phụng vụ thời hậu Công Đồng, lễ được mừng vào tám ngày sau lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời, để nêu bật mối dây mật thiết giữa vương quyền của Đức Maria và sự vinh hiển trong thân xác và linh hồn Mẹ bên cạnh Con Mẹ. Chúng ta đọc thấy trong Hiến chế về Giáo Hội Lumen Gentium rằng: ”Đức Maria được đưa lên vinh quang trên trời và được Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống con Mẹ trọn vẹn hơn” (LG, 59).
Đức Maria là Nữ Vương, bởi vì được kết hiệp một cách duy nhất với Con của Người, trên con đường cuộc sống trần gian cũng như trong vinh quang trên Trời. Như giáo phụ Efrem người Siri khẳng định, chức nữ vương của Đức Maria phát xuất từ chức làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ: Mẹ là Mẹ Chúa, Vua các vua (Is 9,1-6) và Mẹ chỉ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là sự sống, ơn cứu độ và niềm hy vọng của chúng ta. Như Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhắc lại trong Tông huấn Marialis Cultus: ”Nơi Đức Trinh Nữ Maria, tất cả đều liên quan tới Chúa Kitô, và tất cả đều tùy thuộc nơi Chúa: vì Người mà Thiên Chúa Cha, từ đời đời, đã chọn Mẹ làm Mẹ hoàn toàn thánh thiện và trang điểm Mẹ với các ơn của Thần Khí, mà Người đã không ban cho ai khác” (s. 25). Và Đức Phaolô VI còn lấy lai điều giáo phụ Ildefonso đã khẳng định: ”Điều được cống hiến để phục vụ Nữ Tỳ, được quy chiếu về Chúa, và như thế vang vọng lên trên người Con điều được ban cho Mẹ… và như thế rơi trở lại trên Vua vinh dự được khiêm ban cho Nữ Vương (ibid).
Nhưng Đức Maria Nữ Vương có nghĩa là gì? Đó có phải chỉ là một tước hiệu hiệp nhất với các tước hiệu khác, và vương miện là một trang sức như các trang sức khác hay không? Vương quyền này có nghĩa là gì? Đó là hiệu qủa sự kết hiệp của Mẹ với Con Mẹ, của cuộc sống trên Trời, nghĩa là sự kết hiệp với Thiên Chúa. Mẹ chia sẻ trách nhiệm và tình yêu của Thiên Chúa đối với thế giới. Có một ý niệm chung tầm thường về vua hay nữ hoàng: đó là một người với quyền bính và sự giầu sang. Nhưng đây không phải là loại vương quyền của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria. Chúng ta hãy nhớ tới Chúa: vương quyền, chức là vua của Chúa Kitô được làm thành bởi sự khiêm nhường, phục vụ và tình yêu; nhất là phục vụ, trợ giúp và yêu thương. Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đã được công bố là vua trên Thập Giá với bảng do quan Philatô cho viết ”vua người Do thái” (Mc 15,26). Trong lúc ở trên thập giá Người cho thấy Người là vua, và là vua như thế nào? bằng cách đau khổ vì chúng ta, cho chúng ta, yêu thương cho đến cùng, và như thế cai trị và tạo ra chân lý, tình yêu và công lý. Hay chúng ta hãy nghĩ tới lúc khác: trong Bữa Tiệc Ly Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Như vậy vương quyền của Chúa Giêsu không liên quan gì tới vương quyền của các kẻ quyền thế của trái đất. Người là một vì vua phục vụ các tôi tớ của mình, như Người đã chứng minh trong toàn cuộc sống của Người. Đối với Mẹ Maria cũng thế: Mẹ là Nữ Vương trong việc phục vụ Thiên Chúa và nhân loại. Mẹ là Nữ Vương của tình yêu, sống ơn trao ban mình cho Thiên Chúa để bước vào trong chương trình cứu độ con người. Mẹ trả lời Sứ Thần: ”Này tôi là nữ tỳ của Chúa” và trong bài thánh thi Magnificat Mẹ hát: “Thiên Chúa đã đoái nhìn tới sự mọn hèn của nữ tỳ Người”. Mẹ trợ giúp chúng ta. Mẹ là Nữ Vương bằng cách yêu thương chúng ta, trợ giúp chúng ta trong mọi nhu cầu; Mẹ là chị của chúng ta, là nữ tỳ khiêm hạ.
a. Biến cố Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất ngày 13 tháng 5.
Vào ngày Chúa Nhật 13.5.1917 sau lễ Đức Chúa Giêsu Lên Trời, ba thiếu nhi dẫn đòn chiên lên đồi Cova da Iria, thuộc phần đất của cha mẹ Lucia, trên đó trồng giống cây sồi nhỏ và cây Ô-liu. Vào giữa trưa, khi 3 thiếu nhi đã lần hạt xong và lấy những hòn đá nằm lăn lóc trên đất để làm một bức tường chung quanh bụi cây. Theo Lucia kể lại : «Bổng chốc chúng tôi thấy có cái gì sáng giống như tia chớp. Bấy giờ tôi nói với hai đứa em họ của tôi là có lẽ sắp có giông bão, chúng ta phải mau lùa chiên về nhà. Chúng tôi đã bắt đầu lùa chiên xuống khỏi ngọn đồi và sắp ra đến đường đi chính. Khi chúng tôi đến lưng chừng ngọn đồi, gần bên một cây sồi, chúng tôi trông thấy một tia chớp lóe lên, và sau khi tiến thêm được vài bước, chúng tôi nhìn thấy trên cây sồi có một Bà đẹp, mặc áo trắng, sáng chói như mặt trời, từ Bà chiếu tỏa ra một luồng ánh sáng rực rỡ như ánh sáng mặt trời xuất hiện tựa qua một bình thủy tinh chứa đầy nước vậy. Quá ngạc nhiên trước sự xuất hiện đó, chúng tôi đã đứng dừng lại. Chúng tôi đứng rất gần, đến nỗi cả ba chúng tôi đều ở trong vùng ánh sáng, được ánh sáng đó bao phủ lấy. Khoảng cách độ một thước rưỡi. Bấy giờ, Bà đẹp nói với chúng tôi: “Các con đừng sợ, Bà không làm gì hại các con đâu!”
Tôi hỏi Bà : «Bà từ đâu tới?» Bà trả lời : «Bà từ Trời đến!»
Tôi lại hỏi Bà : «Bà muốn gì nơi con?»
Bà trả lời : «Bà đến để xin chúng con một điều là trong vòng 6 tháng tới, các con hãy đến đây vào cùng thời giờ đúng ngày 13 mỗi tháng. Rồi Bà sẽ nói cho chúng hay Bà là ai và Bà muốn gì!»
Vì quá yêu mến Thiên đàng, nên khi nghe Bà đẹp nói Bà từ Trời đến, Lucia đã hỏi Bà ngay : «Con có được lên Trời không?»
Bà trả lời : «Vâng, con sẽ được lên Trời.»
Lucia : «Và Jacinta nữa?»
Bà đẹp : «Cả Jacinta nữa!»
Lucia : «Và cả Francisco nữa?»
Bà đẹp : «Cả Francisco nữa, nhưng nó còn phải siêng năng lần hạt Mân Côi nhiều hơn nữa mới được!»
Tiếp đến Lucia còn hỏi về số phận của hai cô gái khoảng 16 và 20 tuổi vừa chết mà Lucia quen biết có được lên Thiên Đàng không. Đức Mẹ trả lời: “Người thứ nhất thì được. Người thứ hai không được”
Đây là lần đầu tiên các em gặp Đức Mẹ. Đức Mẹ giải thích cho các em lý do tại sao Mẹ đến. Bà hỏi các em: «Các con có muốn sẵn sàng hy sinh chịu đựng tất cả mọi đau khổ mà Thiên Chúa sẽ gởi đến, để làm của lễ đền mọi tội lỗi xúc phạm đến Người và để cầu nguyện cho kẻ tội lỗi ăn năn trở lại không?»
Lucia trả lời : «Vâng, chúng con sẵn sàng.»
Bà nói: «Các con sẽ phải chịu nhiều đau khổ, nhưng ơn Chúa sẽ là sức mạnh của chúng con.»
Lucia kể : « Khi vừa nói những lời này xong, thì lần đầu tiên Bà liền mở rộng hai tay ra và từ tay Bà phát ra một luồng ánh sáng rất mạnh, tựa như thể ánh phản chiếu của mặt trời, bao phủ trên chúng tôi. Ánh sáng xuyên qua ngực chúng tôi và vào sâu tận linh hồn, và trong Thiên Chúa, Đấng là ánh sáng đó, chúng tôi có thể nhìn thấy được chính mình một cách rõ ràng hơn trong bất cứ tấm gương soi tuyệt hảo nào. Lòng đầy xúc động, chúng tôi đã quỳ xuống và lặp đi lặp lại : «Lạy Ba Ngôi Cực Thánh – Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần – con cung kính thờ lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa Mình và Máu cực thánh cực trọng, linh hồn và bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô đang ngự trong các nhà chầu trên khắp hoàn cầu để đền tạ vì những tội bội bạc, thờ ơ, xúc phạm đến Người. Nhờ công nghiệp vô cùng của Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu và Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria, xin Chúa cho kẻ có tội được ăn năn trở lại”. Sau đó, Bà nói: «Các con hãy lần hạt Mân Côi mỗi ngày cho hòa bình trên thế giới và kết thúc chiến tranh! Hãu đọc kinh này vào cuối kinh Mân Côi: “Lạy Chủa Giêsu, xin tha tội chúng con. Xin cứu chúng con khỏi lửa Hỏa Ngục, và dẩn đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những người cần đến lòng Thương Xót của Chúa hơn. ” Bà từ từ biến đi về hướng đông.
*** Ghi chú: Bà đẹp chỉ nói chuyện với Lucia mà thôi. Còn Jacinta chỉ nghe được các câu đối đáp giữa Bà đẹp và Lucia. Francesco chỉ nhìn thấy tất cả và chỉ nghe Lucia nói, chứ không nghe được lời Bà đẹp nói. Sự khác biệt này được cả ba em trình bày trong các cuộc thẩm vấn. Đó là một bằng chứng cho sự thành thật của các em.
b. Thi hành sứ điệp Đức Mẹ:
Khi hiện ra lần đầu tiên, 1/ Đức Mẹ yêu cầu các em đến đồi Cova da Iria tại Fatima trong vòng 6 tháng; 2/ Đức Mẹ muốn các em sẵn sàng hy sinh chịu đựng tất cả mọi đau khổ mà Thiên Chúa sẽ gởi đến, để làm của lễ đền mọi tội lỗi xúc phạm đến Người và để cầu nguyện cho kẻ tội lỗi ăn năn trở lại không. Các con sẽ phải chịu nhiều đau khổ, nhưng ơn Chúa sẽ là sức mạnh của chúng con; 3/ Đức Mẹ muốn các em lần hạt Mân Côi mỗi ngày cho hòa bình trên thế giới và kết thúc chiến tranh! Sau mỗi chục kinh Mân Côi, các em đọc kinh: “Lạy Chủa Giêsu, xin tha tội chúng con. Xin cứu chúng con khỏi lửa Hỏa Ngục, và dẩn đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những người cần đến lòng Thương Xót của Chúa hơn.” Lucia trả lời : «Vâng, chúng con sẵn sàng.»
2. Đức Mẹ Hiện Ra Lần Thứ Hai – Nữ Vương Vô Nhiễm Nguyên Tội
Đức Maria không bao giờ bị tội khuất phục và được hưởng đặc ân là không phạm cả những tội nhẹ (2800)
Trích Sắc chỉ “Ineffabilis Deus – Thiên Chúa là Đấng khôn tả” của ĐGH Piô IX ban hành ngày 8 tháng 12 năm 1854: Thiên Chúa là Đấng khôn tả…từ lúc đầu và trước muôn thuở muôn đời đã tuyển chọn và an bài cho Con Một của Người một người mẹ để khi nhập thể, Thánh Tử sinh ra làm con vào cái thời vinh phúc của thời gian ở độ viên mãn, và trên hết các loài thọ tạo khác, Thiên Chúa đã dành cho người (người Mẹ này) một tình yêu lớn lao đến độ dồn hết cho một mình Người những niềm vui thỏa lớn nhất của Chúa. Vì thế, từ kho tàng thiêng thánh, Thiên Chúa đã cho Người tràn ngập hết mọi ân sủng của trời cao, hơn xa các thiên thần và các thánh, và tràn ngập một cách dồi dào phong phú đến độ Người luôn luôn thoát khỏi vết nhơ tội lỗi, lúc nào cũng đẹp đẽ hoàn hảo, và Người tỏ ra trong trắng và thánh thiện một cách viên mãn đến nỗi dưới Thiên Chúa, người ta hoàn toàn không thể nghĩ ra một sự trong trắng thánh thiện lớn hơn, và ngoại Thiên Chúa ra không ai có thể đạt tới được dù là trong tư tưởng (2800).
Để vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi thánh thiêng và bất khả phân chia, để tôn kính và tăng vẻ huy hoàng cho Đức Trinh nữ Mẹ Thiên Chúa, để tán dương đức tin Công giáo va phát triển đạo Kitô, với thẩm quyền của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, của các Chân phước Tông đồ Phêrô và Phaolô và của chính chúng tôi, chúng tôi tuyên bố, công bố và định tín: giáo lý, khẳng định rằng Đức Trinh nữ Maria vinh phúc, ngay từ giây phút vừa thánh thai, nhờ ân sủng và hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa, và vì công trạng của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ loài người, đã được gìn giữ nguyện vẹn khỏi bất cứ vết nhơ nào do nguyện tội gây ra, là do Thiên Chúa mặc khải và phải được các tín hữu tin theo một cách kiên quyết vững bền (2803).
Trong Vương Cung Thánh Đường Vô Nhiễm Nguyên Tội, có phiến đá cẩm thạch ghi lời tuyên bố long trọng của Đức Giám Mục Laurence về những lần hiện ra của Đức Mẹ: “Chúng tôi tuyên bố rằng Đức Vô Nhiễm Nguyên Tội Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã thực sự hiện ra với Bernadette Soubirous, ngày 11 tháng 02 năm 1858 và những ngày kế tiếp, tất cả là 18 lần, trong hang động Massabielle, gần thành Lộ Đức; rằng sự hiện ra này mang tất cả những tính cách của sự thật, và các giáo hữu đều đã tin là chắc chắn. Chúng tôi xin dâng cách khiêm nhường sự phán đoán của chúng tôi cho Sự Phán Đoán của Đức Giáo Hoàng, Vị được giao trọng trách guồng lái Giáo Hội hoàn vũ “. Đức Mẹ đã hiện ra 18 lần tại Hang đá Lộ Đức, từ ngày 11 tháng 02 đến ngày 16 tháng 07 năm 1858. Ngày 28 tháng 07 năm 1858, Đức Giám Mục địa phận Lộ Đức đã thiết lập Ủy Ban Điều Tra về những lần Đức Trinh Nữ Maria hiện ra tại hang đá Massabielle. Công việc điều tra kéo dài trong 4 năm. Ngày 18 tháng 01 năm 1862, Đức Giám Mục, nhân danh Giáo Hội, nhìn nhận những lần hiện ra là đích thực. Giáo Hội nhìn nhận chính thức những lần Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, dựa trên chứng từ xác quyết của cô Bernadette Soubirous. Đức Thánh Cha Lêô XIII chấp thuận mừng lễ Đức Mẹ Lộ Đức và Đức Thánh Cha Piô X cho phép toàn thể Giáo hội mừng lễ này vào ngày 11 tháng 2 hàng năm.
a. Biến cố Đức Mẹ hiện ra lần thứ hai ngày 13 tháng 6
Câu chuyện về biến cố lạ xảy ra tại ngọn đồi Cova da Iria được chuyền đi khắp cả ngôi làng quê. Vào ngày 13.6, không chỉ ba em đi đến chỗ Bà đẹp hiện ra, nhưng còn có khoảng 50 người tò mò khác cùng đi theo. Luxia thuật lại: «Sau khi tôi, Giaxinhta và Phanxicô cùng mấy người có mặt hôm đó lần hạt Mân Côi xong, thì chúng tôi liền thấy tia sáng (mà chúng tôi nghĩ là tia chớp) đang tiến đến gần và tiếp theo là chúng tôi nhìn thấy Bà đẹp trên cây sồi như vào tháng 5 vừa qua. Tôi hỏi : «Bà muốn gì nơi con?» Bà trả lời: «Bà muốn chúng con lại đến đây vào ngày 13 tháng tới; Bà muốn chúng con lần hạt Mân Côi mọi ngày và Bà cũng muốn con học đọc. Rồi sau nầy Bà sẽ nói cho chúng con bà muốn gì. »
Tôi đã xin Đức Mẹ chữa lành một bệnh nhân.
Bà trả lời: «Nếu ông ta biết ăn năn hối cải, thì trong năm này ông ta sẽ được lành bệnh.»
Tôi xin: «Con xin Bà đưa chúng con về trên Trời với Bà.»
Bà nói : «Vâng, chẳng bao lâu nữa, Bà sẽ đến đón Giaxinhta và Phanxicô đi. Riêng con, con còn phải ở lại đây ít lâu nữa. Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho nhân loại nhận biết và yêu mến Mẹ. Người muốn thiết lập sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ trên trái đất này.»
Tôi buồn rầu hỏi Bà : «Vậy con phải ở lại đây một mình sao?»
Bà nói : «Này con, không phải thế đâu. Con đau khổ lắm sao? Con đừng chán nản. Không bao giờ Mẹ bỏ con. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ là chốn ẩn náu cho con và là con đường dẫn con tới cùng Thiên Chúa.»
Trong phút chốc, khi nói xong những lời ấy, Đức Mẹ mở cánh tay ra và tỏa lan trên chúng tôi lần thứ hai ánh hào quang của một thứ ánh sáng khôn lường. Trong ánh sáng đó, chúng tôi thấy mình như chìm sâu vào trong Chúa. Giaxinhta và Phanxicô có vẻ như đứng vào trong phần ánh sáng đang cất lên trời, còn tôi thì đứng trong phần ánh sáng chiếu rọi xuống trên mặt đất.
Trên bàn tay phải của Đức Mẹ có một trái tim bị những gai nhọn vấn quanh và đâm thâu qua. Chúng tôi biết được rằng đó là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria bị thương tích vì tôi lỗi của nhân loại và ao ước được đền bù phạt tạ.»
***Ghi chú: Những người có mặt hôm đó đều nghe được tất cả những gì Lucia nói, còn về vị Bà đẹp thì họ không nhìn thấy mà cũng chẳng nghe được điều Bà nói. Một hiện tượng mà họ có thể ghi nhận được là trong lúc Đức Mẹ hiện ra, các cành cây đều cúi rạp xuống như thể sức nặng của Bà đẹp trên cây. Khi Bà đẹp đi rồi, thì các cành và các lá cây đều quay về hướng đông như thể bị tà áo khoác của Bà đẹp cuốn hút theo.
b. Thực hành Sứ điệp Đức Mẹ
Khi hiện ra lần thứ hai, 1/ Đức Mẹ muốn các em đọc kinh Mân Côi mỗi ngày; 2/ Đức Mẹ muốn Luxia học đọc; 3/ Chúa Giêsu muốn dùng Luxia để làm cho nhân loại nhận biết và yêu mến Mẹ. Người muốn thiết lập sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ trên trái đất này
3. Đức Mẹ Hiện Ra Lần Thứ Ba – Đức Mẹ có thương xót
Trong nhiệm cục ân sủng, Đức Ma-ri-a vẫn tiếp tục thiên chức làm Mẹ
Chúng ta chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất, như lời thánh Tông Đồ dạy : “Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại, đó là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã dâng mình làm giá chuộc mọi người”. Nhưng vai trò làm Mẹ của Đức Ma-ri-a đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Ki-tô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Đức Nữ Trinh trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách thế nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Ki-tô. Ảnh hưởng ấy nương tựa và hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự trung gian của Chúa Ki-tô, nguồn mạch mọi quyền lực của ảnh hưởng đó. Nhưng ảnh hưởng này không làm cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Ki-tô.
Từ muôn đời, Đức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian, Mẹ đã trở nên Mẹ cao trọng của Đấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Mẹ là cộng sự viên quảng đại và tôi tớ khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Ki-tô, đã dâng Chúa Ki-tô lên Chúa Cha trong đền thánh, và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá. Đức Ma-ri-a đã cộng tác cách đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Mẹ thật là Mẹ chúng ta.
Nhưng trong nhiệm cục ân sủng, Đức Ma-ri-a luôn tiếp tục thiên chức làm Mẹ, từ khi Mẹ tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền Tin – sự ưng thuận mà Mẹ đã không ngần ngại giữ vững bên thập giá – cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người dược tuyển chọn. Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Mẹ trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Mẹ vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại phần rỗi đời đời. Với tình từ mẫu, Mẹ chăm sóc những anh em của Con Mẹ đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời. Vì thế, trong Hội Thánh, Đức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu : Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian. Tuy nhiên phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Đấng Trung Gian duy nhất.
Thật vậy, không bao giờ có thể đặt một tạo vật ngang hàng với Ngôi Lời Nhập Thể và cứu chuộc ; nhưng cũng như chức linh mục của Chúa Ki-tô được thông ban dưới nhiều hình thức cho các thừa tác viên và các giáo dân, và cũng như sự tốt lành duy nhất của Thiên Chúa được ban phát nhiều cách cho các tạo vật, thì sự trung gian duy nhất của Đấng Cứu Thế không những không loại bỏ, mà còn khuyến khích các thụ sinh cộng tác, trong sự tuỳ thuộc vào nguồn mạch duy nhất. Vai trò tuỳ thuộc ấy của Đức Ma-ri-a, Hội Thánh không ngần ngại tuyên xưng, mà luôn nghiệm thấy, và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng, để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ từ mẫu của Mẹ, họ gắn bó mật thiết hơn với Đấng Trung Gian và Cứu thế. (LG 60-63)
Kính chào Nữ Vương
Bà là mẹ xót thương, ngọt ngào cho cuộc sống, kính chào lẽ cậy trông.
Này con cháu Evà, thân phận người lưu lạc, chúng con ngửa trông bà, kêu bà mà khóc lóc
than thở với rên la, trong lũng đầy nước mắt.
Bà là nữ trạng sư, nguyện đưa mắt nhân từ, phía đoàn con đoái lại
và sau đời khổ ải, xin Bà khứng tỏ ra, cho đoàn con được thấy
quả phúc bởi lòng Bà, Đức Giê su khả ái.
Ôi lượng cả khoan hồng, ôi tấm lòng xót thương, ôi dịu hiền nhân hậu,
Trinh nữ Maria.
a. Biến cố Đức Mẹ hiện ra lần thứ ba ngày 13 tháng 7
Khi Ðức Mẹ hiện ra ngày 13.7, chị Lucia đã hỏi: “Xin Bà cho con biết Bà là ai, và xin Bà hãy làm một phép lạ để cho mọi người tin là Bà đã hiện ra với chúng con.” Ðức Mẹ đã phán cùng chị Lucia: “Hằng tháng các con phải tới đây và đến tháng Mười, Mẹ sẽ cho các con biết Mẹ là ai và Ta muốn gì. Lúc đó Mẹ sẽ làm một phép lạ để mọi người tin.” Đức Mẹ nhắn nhủ: “Các con hãy hãm mình hy sinh để cầu nguyện cho kẻ có tội.” Ðức Mẹ cũng dạy các em cầu nguyện như sau, đặc biệt trong lúc hãm mình hy sinh: “Lạy Chúa Giêsu, con xin dâng những hy sinh này để đáp lại tình yêu Chúa, để cầu nguyện cho kẻ có tội được ăn năn trở lại và để đền tạ những tội xúc phạm đến Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria.”
Khi Ðức Mẹ phán điều này, Ðức Mẹ dang hai tay ra không cho thấy sự sáng láng huy hoàng của Thiên Chúa như các lần trước, lần này các em đã nhìn thấy một biển lửa. Nhào lộn trong biển lửa ấy là ma quỷ và các linh hồn tội lỗi trông giống các cục than hồng, đen đủi hay xám xịt, nhưng thân hình bị treo lơ lửng đang bị lửa thiêu đốt kêu la trong đau đớn tuyệt vọng đã làm cho các em kinh hoàng đến khiếp sợ run rẩy. Các em kinh khiếp đến nỗi không nói nên lời trước cảnh hãi hùng của hỏa ngục đã ngườc nhìn về Ðức Mẹ trong ánh mắt van nài để tìm an ủi.
Ðức Mẹ bảo các em: “Các con đã nhìn thấy hỏa ngục nơi linh hồn kẻ tội lỗi bị giam cầm. Ðể cứu các linh hồn khỏi sa hỏa ngục, Thiên Chúa muốn phát động lòng tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Ðức Mẹ trên hoàn cầu. Nếu người ta thi hành các điều Mẹ phán dạy các con thì rất nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi, chiến tranh sẽ kết thúc nếu người ta thực sự ngừng xúc phạm tới Thiên Chúa. Nếu người ta không thi hành, sẽ xảy ra cuộc chiến tệ hơn trong triều đại Đức Giáo Hoàng Piô 11. Khi chúng con nhìn thấy một ánh sáng lạ trong một đêm nào, khi đó các con sẽ biết đó là dấu chỉ Thiên Chúa sẽ trừng phạt thế giới vì tội lỗi của nó. Sẽ xảy ra chiến tranh, nghèo đói, bách hại Hội Thánh và Ðức Thánh Cha. Ðể tránh điều này, Mẹ muốn dâng hiến nước Nga cho Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ. Và Mẹ muốn các con rước lễ vào mỗi thứ Bảy đầu tháng để đền bù tội lỗi nhân loại. Nếu các điều Mẹ mong ước được thực hiện và chú ý đến những lời nói của Mẹ, nước Nga sẽ hối cải và sẽ có hòa bình. Nều điều này không xảy ra, nước Nga sẽ gieo rắc nhiều tà thuyết trên thế giới, chiến tranh và bách hại Hội Thánh không thể tránh được. Người tốt sẽ tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ đau khổ nhiều, nhiều quốc gia khác nhau sẽ bị tiêu diệt. Nhưng cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ dâng hiến nước Nga cho Mẹ và nước Nga sẽ trở lại và nhân loại sẽ hưởng một thời gian hòa bình. Tại Bồ Đào Nha, dân chúng sẽ giữ đức tin. Con không được nói điều này cho ai ngoài Phanxicô. Khi các con cầu nguyện kinh Mân Côi, các con thêm vào cuối chục hạt: “Lạy Chủa Giêsu, xin tha tội chúng con. Xin cứu chúng con khỏi lửa Hỏa Ngục, và dẩn đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những người cần đến lòng Thương Xót của Chúa hơn” Lucia hỏi thêm: “Mẹ có muốn con làm bất cứ điều gì cho Mẹ không? Đức Mẹ đáp lại: Mẹ không còn ước ao gì hơn nữa nơi các con hôm nay” Đức Mẹ từ từ biến đi theo hướng Đông.
*** Ghi chú: Ðêm 24 rạng 25 tháng Giêng năm 1938, toàn thể Âu Châu đã bừng sáng mà các khoa học gia đã giải thích đó là hiện tượng “Bắc Cực Quang” (Aurora Borealis) có thể nhìn thấy tại Âu Châu, Nam Australia, Sicily, Bồ Đào Nha, từ Đại Tây Dương đến nam California. Hiện tượng này. Những giải thích của các khoa học gia đã cho thấy hiện tượng này vượt quá một hiện tượng tự nhiên.
Trong thơ gửi Ðức Giám Mục, chị Lucia đã cho biết đó là dấu mà Ðức Mẹ đã tiên báo về cuộc chiến sắp xảy ra. Ba tháng sau Hitler đã ra lệnh động binh và bắt đầu tuyên chiến.
b. Thực hành sứ điệp Đức Mẹ:Khi hiện ra lần hiện ra thứ ba, 1/ Đức Mẹ yêu cầu các con hãy hãm mình hy sinh để cầu nguyện cho kẻ có tội.” và đọc kinh lúc hãm mình hy sinh: “Lạy Chúa Giêsu, con xin dâng những hy sinh này để đáp lại tình yêu Chúa, để cầu nguyện cho kẻ có tội được ăn năn trở lại và để đền tạ những tội xúc phạm đến Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria.”; 2/ Đức Mẹ muốn dâng hiến nước Nga cho Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ; 3/ Đức Mẹ muốn các em rước lễ vào mỗi thứ Bảy đầu tháng để đền bù tội lỗi nhân loại.
4. Đức Mẹ hiện ra lần thứ tư – Nữ Vương hồn xác lên trời
Tông hiến “ Munificentissimus Deus – Thiên Chúa vĩ đại nhất” của Đức Piô XII ban hành ngày 1 tháng 11 năm 1950, giới thiệu tín điều Đức Maria được rước cả hồn lẫn xác lên vinh quang chốn trời cao thẳm để tỏa sáng như một nữ hoàng bên hữu Con của Người là Vua bất diệt muôn đời: “ Cần nhất là chúng ta phải nhớ lại rằng Đức Trinh nữ Maria đã được các Thánh Giáo phụ giới thiệu như một Evà mới, là Đấng dù phục tùng nhưng lại rất mật thiết gắn bó với Đấng là Adam thứ hai trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù hỏa ngục, một cuộc đấu tranh như đã phác họa trước trong Nguyên Phúc Âm (St 3,15), mà kết quả là toàn thắng tội lỗi và sự chết vốn là những điều lúc nào cũng phải đi đôi với nhau trong các trang viết của vị Tông đồ các dân ngoại (Rm 5 và 6; 1Cr 15,21-26,54-57)
Do đó, như cuộc phục sinh vinh hiển của Đức Kitô là một phần trọng yếu và là thắng lợi cuối cùng của chiến thắng đó, thì cuộc chiến đấu chung mà Đức Maria tiến hành cùng với Con mình cũng phải kết thúc với sự “vinh thăng” thân thể trinh nguyện của Người; chẳng phải vị Tông đồ dân ngoại đã có nói lời sau đây sao: “Vậy khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh: cái chết đã bị chôn vùi trong chiến thắng” (1Cr 15,54) (3901 & 3902)
Vì thế…để tôn vinh Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng đã quảng đại ban cho Đức Trinh nữ Maria hồng ân đặc biệt, để tôn kính Con của Người là Đức Vua bất tử đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, để tăng thêm vinh quang của Mẹ Thiên Chúa cao trọng và để cho toàn thể Giáo hội được hân hoan mừng rỡ, Ta lấy uy quyền của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, của các Tông đồ vinh phúc Phêrô và Phaolô và cũng lấy uy quyền của chính Ta mà khẳng định, tuyên bố và định tín việc sau đây là một tín điều do Thiên Chúa mặc khải: Đức Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa, Đức Maria trọn đời đồng trinh, sau khi đã hoàn tất hành trình sinh sống nơi trần thế, đã được rước cả hồn lẫn xác lên cõi vinh quang trên trời. (3903)
a. Biến cố xảy ra ngày 13 tháng 8
Chị Lucia mô tả lại chuyện đã xảy ra sáng hôm ngày 13 tháng 8 năm 1917 như sau: “…ông Thị Trưởng ra trát lệnh, đòi con phải tới nhà cô của con, nơi ông đang đợi con ở đó… Khi con tới nơi, thì thấy ông ta đang ở trong phòng hai em họ của con rồi. Ông thẩm vấn chúng con ngay tại đó và luôn có những mánh khóe tra khảo mới để buộc chúng con phải khai bí mật ra và bắt chúng con phải hứa sẽ không trở lại đồi Cova da Iria nữa. Khi không được như ý, ông liền ra lệnh cho bố và dượng của con đem chúng con tới nhà Cha xứ.”
Các em bị thẩm vấn trước mặt ông Thị Trưởng, linh mục Ferreira và ông Arturo Santos (người này không có quan hệ bà con gì với chị Lucia hết. Lucia nói là Đức Bà ở đồi Cova đã tỏ cho các em biết một bí mật và dặn các em là không được tiết lộ cho ai hết. Ông Santos liền nổi giận điên tiết ra lệnh cho các em trở vào trong xe ngựa đang đợi, cha mẹ của các em cứ tưởng chắc ông chở các em đến Cova. Nào ngờ thay vì đi Cova, ông cho đánh xe chạy một mạch tới Ourém.
Trong khi đó tại đồi Cova, đám đông khoảng trên 15 ngàn người đang có mặt nóng lòng chờ đợi, và hết sức ngạc nhiên tự hỏi sao các em lại tới trễ. Đến khi họ biết được là các em đã bị bắt cóc đi mất rồi, họ mới làm ầm beng lên, thậm chí có một số người còn đổ tội cho cha Ferreira.
b. Sứ điệp của Đức Mẹ Fatima khi hiện ra lần thứ tư ngày 19 tháng 8
Chị Lucia kể lại chuyện xảy ra ngày 19 tháng 8 như sau: “Vào khoảng xế trưa, Phanxicô và anh trai Gioan của em cùng đi với con. Chúng con đang dẫn cừu tới một nơi gọi là Valinhos thì linh cảm thấy có một sự gì đó siêu nhiên tiến đến gần và bao phủ lấy chúng con. Vì nghĩ rằng Đức Mẹ sẽ hiện ra với chúng con và chúng con đều cảm thấy tiếc cho Jacinta có lẽ không được gặp Mẹ, nên chúng con mới nhờ anh của em chạy về gọi em ra. Trong khi anh còn đang lưỡng lự không muốn đi, thì con liền biếu anh hai xu tiền, thế là anh chạy đi ngay.” Liền lúc đó, Phanxicô và con trông thấy có tia chớp lóe sáng, mà chúng con gọi là lằn chớp. Jacinta cũng vừa lúc tới nơi, rồi một lát sau, chúng con nhìn thấy Đức Bà đã đang ở trên cây sồi rồi.
Lucia thưa với Đức Bà: “Thưa Đức Bà muốn con làm gì?”
“Ta muốn các con tiếp tục đến Cova da Iria vào ngày 13, và tiếp tục nguyện kinh Môi Khôi hằng ngày. Đến tháng cuối cùng, Ta sẽ làm một phép lạ để mọi người tin.”
“Thưa Đức Bà muốn làm gì với số tiền mà người ta để lại ở Cova da Iria?”
“Các con hãy làm hai cái kiệu. Con và Jacinta cùng hai bé gái khác mặc đồ trắng sẽ khiêng một cái; còn cái kia thì Phanxicô và ba bé trai khác sẽ khiêng. Tiền ở trên hai cái kiệu sẽ chi phí cho ngày “lễ hội” Đức Bà Mân Khôi, và số tiền còn lại sẽ hỗ trợ việc xây cất một nguyện đường tại đây.”
“…Thế rồi, trông Đức Bà rất buồn bã, phán bảo: “Các con hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, và làm việc hy sinh cho kẻ có tội; có rất nhiều linh hồn sa hỏa ngục, bởi không có ai chịu hy sinh và cầu nguyện cho họ.”
Đức Bà nói thế xong rồi thì thăng về hướng Đông như mấy lần trước.
“Sau hai phần con đã diễn tả, thì ở bên trái của Đức Mẹ và cao hơn một chút, chúng con thấy có một vị Thiên Thần cầm một lưỡi gươm bốc cháy lửa nơi tay trái; thanh gươm chớp chớp bùng tóe lửa như muốn thiêu đốt thế giới; tuy nhiên, những ngọn lửa ấy đã bị tắt mất trước ánh quang sáng ngời từ bàn tay phải của Đức Mẹ phát ra chiếu về phía vị Thiên Thần, bởi thế, lấy bàn tay phải của mình mà chỉ xuống trái đất, vị Thiên Thần đã kêu lớn tiếng rằng: ‘Hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội!’. Rồi chúng con thấy một vị Giám Mục mặc Áo Trắng, ‘mà chúng con có cảm nhận đó là Đức Thánh Cha’, trong một vùng sáng mênh mông là Thiên Chúa, ‘giống như người ta thấy mình đi ngang qua trước một tấm gương soi’. Các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ khác đang tiến lên một ngọn núi dốc đứng, trên đỉnh có một cây Thập Giá lớn, được làm bằng những thân cây nứt nẻ như loại thân cây điên điển còn vỏ; trước khi tiến lên tới đỉnh núi, Đức Thánh Cha đã băng qua một thành phố lớn, một nửa đã bị tàn rụi, còn một nửa kia thì đang run rẩy loạng quạng lê bước với đầy những đớn đau và buồn khổ, Ngài cầu nguyện cho các linh hồn của những thi thể Ngài gặp thấy trên quãng đường đi; tiến tới đỉnh núi rồi thì khi đang quì ở dưới chân cây Thập Giá lớn, Ngài đã bị một nhóm lính bắn các đầu đạn và mũi tên đến hạ sát, cũng lần lượt bị sát hại như thế có cả các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ cùng với thành phần giáo dân ở các tầng lớp và vai trò khác nhau. Dưới hai cánh Thập Giá có hai Thiên Thần, mỗi vị cầm trong tay mình một bình nước thánh bằng pha lê để chứa đựng máu của các vị Tử Đạo và hai vị dùng máu ấy vẩy trên những linh hồn đang tìm đường đến cùng Thiên Chúa”.
Sau khi nói xong, quãng một chút yên lặng, rồi Lucia hỏi Đức Bà,
“Bà có còn muốn con làm điều gì nữa không?”
Đức Bà đáp, “Không, hôm nay Ta không muốn con làm thêm điều gì nữa.”
Rồi cũng như lần trước Đức Bà cất mình lên cao về hướng Đông cho đến khi khuất dạng biến mất.
c/ Thi hành sứ điệp Đức Mẹ
Khi hiện ra lần thứ tư, 1/ Đức Mệ muốn các em tiếp tục đến Cova da Iria vào ngày 13 và tiếp tục nguyện kinh Môi Khôi hằng ngày; 1/ Đức Mẹ muốn các em làm hai cái kiệu do nhóm nam và nhóm nữ khiêng trong ngày lễ hội Đức Mẹ Mân Côi; 3/ Đức Mẹ nhắc các em hãy ăn năn đền tội
5. Đức Mẹ Hiện Ra Lần Thứ Năm – Đức Mẹ là nguồn hy vọng
Ngày nay Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. 2P 3,10), Ngài chiếu sáng như dấu chỉ hy vọng vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành. (LG 68)
Chắc chắn, Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng thật, là mặt trời đã lên cao vượt trên tất cả các bóng tối của lịch sử. Nhưng muốn đến được với Người, chúng ta cũng cần đến những ánh sáng gần bên – của những người đang phản chiếu ánh quang của Ngài và dẫn đường cho chúng ta. Còn ai hơn được Mẹ Maria, là ngôi sao hy vọng cho chúng ta? Với tiếng “Xin Vâng” Mẹ đã mở cửa thế giới chúng ta cho chính Thiên Chúa; Mẹ đã trở nên Hòm Bia Thiên Chúa sống động, trong đó Thiên Chúa nhập thể, trở nên một người giữa chúng ta, và dựng lều của Ngài giữa chúng ta (x. Ga 1:14). Do đó, chúng ta kêu lên với Mẹ: Lạy Mẹ Maria Cực Thánh, Mẹ là một trong những tâm hồn khiêm nhu và cao cả của Israel, những tâm hồn đang “tìm sự ủi an cho Israel” (Lc 2:25), như ông Simêôn, và đang hy vọng, như bà Anna, “cho ơn cứu độ trên thành Giêrusalem” (Lc 2:38). Cuộc đời Mẹ đã thấm nhuần với thánh kinh vang lên niềm hy vọng của Israel, và vang lên lời hứa cho Abraham và miêu duệ người (x Lc 1:55). Bằng cách này chúng con có thể thông cảm nỗi lo sợ thánh thiện của Mẹ khi thiên thần của Chúa hiện ra với Mẹ và phán rằng Mẹ sẽ sinh ra Đấng là niềm hy vọng của Israel, Đấng mà toàn thế giới đang trông chờ. Qua Mẹ, qua lời “Xin Vâng” của Mẹ, niềm hy vọng của bao thời đại đã trở thành hiện thực, khi bước vào thế giới và lịch sử của nó. Mẹ đã cúi sấp mình trước trọng trách này và nói lên lời ưng thuận: “Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời; tôi xin vâng như lời thánh Thiên Thần truyền (Lc 1:38).
Khi Mẹ hối hả với niềm vui thánh thiện vượt rặng núi Giuđêa để thăm người chị họ là bà Êlisabeth, Mẹ đã trở nên hình ảnh của Giáo Hội tương lai, mang hy vọng của thế giới trong lòng để vượt qua những rặng núi của lịch sử. Nhưng bên cạnh niềm vui, với lời ngợi khen Magnificat, mà Mẹ đã tuyên xưng và hát lên cho mọi thế kỷ được nghe, Mẹ cũng biết đến những lời đen tối mà các tiên tri đã nói trước về những đau đớn người tôi tớ của Chúa trong thế giới này. Lúc Chúa sinh ra tại hang lừa Bêlem, Người được chiếu sáng bởi những thiên thần trong ánh huy hoàng đang mang tin mừng đến cho những kẻ chăn cừu, nhưng đồng thời lúc đó sự thấp hèn của Thiên Chúa trong thế giới này cũng thật dễ cảm nhận. Ông già Simêon nói với Mẹ về lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng Mẹ (x. Lc 2:35), về Con Mẹ sẽ nên dấu chỉ mâu thuẫn trong thế giới này.
Rồi, khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài, Mẹ phải đứng sang một bên, để cho một gia đình mới có thể tăng trưởng, một gia đình mà Chúa có sứ mạng phải thiết lập và sẽ bao gồm tất cả những ai lắng nghe và tuân giữ lời Người (x Lc 11:27f). Bất chấp niềm vui cả thể đánh dấu buổi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu, ngay tại đền thờ Nazareth chắc Mẹ đã cảm nhận sự thật về lời tiên tri nói đến “dấu chỉ của mâu thuẫn” (x Lc 4: 28ff). Qua đó, Mẹ đã thấy được sức mạnh gia tăng của thù nghịch và chối bỏ đang bao vây quanh Chúa Giêsu cho đến những giờ phút trên Thánh Giá, khi Mẹ phải nhìn ngắm Đấng Cứu Thế của nhân loại, người thừa tự của Đavít, và là Con Thiên Chúa đã phải chết như một kẻ thất bại, bị chế riễu giữa những tội nhân. Khi đó Mẹ nghe lời Chúa Giêsu phán: “Này Bà, đây là con bà!” (Ga 19:26). Từ Thập Giá Mẹ tiếp nhận một sứ mạng mới. Từ Thập Giá Mẹ trở nên một người mẹ trong một cách thế mới mẻ; là người mẹ của tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu Con Mẹ và muốn theo Người. Lưỡi gươm của đau khổ đã đâm thâu lòng Mẹ. Niềm hy vọng đã chết sao? Thế giới vĩnh viễn mất đi ánh sáng và đời sống mất hết mục đích sao? Vào lúc đó, trong thâm tâm, có lẽ Mẹ lại lắng nghe lời thiên thần đáp lại nỗi lo sợ của Mẹ vào lúc Truyền Tin: “Này Maria, xin đừng sợ!” (Lc 1:30). Đã bao nhiêu lần Chúa Giêsu, Con Mẹ đã nói với các môn đệ cùng những lời này: “các con đừng sợ!” Trong lòng Mẹ, Mẹ lại nghe thấy những lời này vào đêm đen trên đồi Golgôtha. Trước giờ bị phản bội, Chúa cũng đã phán cùng các môn đệ: “Hãy an tâm, ta đã thắng thế gian” (Ga 16:33). ‘Lòng các con đừng bối rối, đừng lo sợ” (Ga 14:27). “Maria, đừng lo sợ!” Vào giờ phút ấy tại Nazareth thiên thần cũng nói với Mẹ: “Triều Đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” (Lc 1:33) Triều đại này có chấm dứt trước khi được khởi sự không? Không, nơi chân Thánh Giá, với sức mạnh của chính lời Chúa Giêsu, Mẹ đã trở nên người mẹ các tín hữu. Trong niềm tin này, ngay trong đêm tối của Thứ Bẩy cực thánh, Mẹ đã mang trong lòng một xác quyết về niềm hy vọng, giúp Mẹ qua được tới buổi sáng Phục Sinh. Niềm vui của sự Sống Lại đánh động tim Mẹ và kết hiệp Mẹ một cách mới mẻ với các môn đệ, những người đã được tiền định để trở nên một gia đình của Chúa Giêsu trong đức tin. Bằng cách này Mẹ đã hiện diện ngay giữa cộng đồng các tín hữu, những người vào những ngày sau khi Chúa Lên Trời, đã hiệp lời cầu nguyện xin cho được ơn Chúa Thánh Thần (x Cv 1:14), và sau đó đã nhận được ơn này vào ngày lễ Ngũ Tuần. “Vương Quốc” của Chúa Giêsu đã không như người ta tưởng. Nước Chúa khởi sự vào lúc đó và tiếp diễn đến bất tận. Do đó, Mẹ ở lại với các môn đệ như người mẹ của họ, như người Mẹ của niềm hy vọng. Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ chúng con, xin Mẹ dạy chúng con biết tin, biết hy vọng và biết yêu với Mẹ. Xin hướng dẫn chúng con tới Vương Quốc của Chúa! Lạy Ngôi Sao Biển, xin chiếu sáng chúng con và dẫn đường cho chúng con! (Thông điệp Niềm vui của Tin Mừng số 49-50)
a. Sứ điệp của Đức Mẹ Fatima khi hiện ra lần thứ năm ngày 13 tháng 9
Chị Luxia thuật lại: Khi gần đến giờ, con cùng với Giaxinta và Phanxicô ra đi, nhưng vì đám người quá đông nên chúng con di chuyển rất khó khăn. Các nẻo đường đông nghẹt người, và ai cũng muốn nhìn thấy và nói chuyện với chúng con. Không còn một chút gì là thể diện và tự trọng nữa. Những người dân lành đơn sơ cũng như các ông bà sang trọng xô đẩy nhau, chen lấn vào đám đông chung quanh chúng con. Khi vừa lại gần được chúng con, họ liền qùy gối trước mặt chúng con và cầu xin chúng con đặt những ý nguyện của họ trước mặt Đức Bà. Những ai không lại gần chúng con được thì la to từ đàng xa: “Vì lòng mến Chúa, các em nhớ nói với Đức Bà chữa lành cho con tôi bị bại liệt nhá!” Một người khác lại tiếp: “Và chữa cho con tôi bị mù!.. Chữa cho con tôi bị điếc!… Cho chồng và con tôi ngoài mặt trận được trở về!… Cho một người tội lỗi được ăn năn trở lại!.. Cho tôi được khỏe mạnh trở lại vì tôi mắc bệnh lao!” v.v…
Tất cả những đau thương của nhân loại đều tập trung tại đó. Một số người trèo lên ngọn cây và bờ tường để nhìn chúng con đi qua và la to xuống cho chúng con nghe lời họ yêu cầu. Chúng con nói “vâng” với người này, nắm tay giúp người nọ đứng lên khỏi mặt đất đầy bụi bặm, và nhờ có một vài ông đi trước mở đường cho chúng con tìm cách tiến lên giữa đám đông.
Cuối cùng rồi chúng con cũng đến được đồi Cova da Iria. Khi tới cây sồi chúng con bắt đầu đọc kinh Mân Côi với dân chúng. Ít lâu sau đó chúng con nhìn thấy tia sáng rồi Đức Mẹ hiện ra trên cây sồi. “Các con hãy tiếp tục cầu nguyện kinh Mân Côi để xin cho chiến tranh chấm dứt. Đến tháng Mười, Chúa sẽ đến cùng với Đức Mẹ Sầu Bi và Đức Bà Các-men. Thánh Giuse sẽ đến với Chúa Giêsu Hài Đồng để ban phép lành cho thế giới. Chúa rất hài lòng vì những hy sinh của các con. Ngài không muốn các con nằm ngủ với giây thừng quấn quanh mình, nhưng chỉ nên thắt giây vào ban ngày thôi.”
“Con được người ta bảo hỏi Mẹ nhiều điều lắm, xin Mẹ chữa lành cho một số người bệnh, một người câm-điếc…” “Ừ, Mẹ sẽ chữa cho một số người, nhưng không chữa cho một số người khác. Vào tháng Mười, Mẹ sẽ làm một phép lạ để cho mọi người tin.”
Rồi Đức Mẹ bắt đầu lên cao và biến mất.
b. Thi hành sứ điệp Đức Mẹ
Khi hiện ra lần thứ sáu, 1/ Đức Mẹ yêu cầu các em tiếp tục cầu nguyện kinh Mân Côi để xin cho chiến tranh chấm dứt; 2/ Đức Mẹ báo tin: Đến tháng Mười, Chúa sẽ đến cùng với Đức Mẹ Sầu Bi và Đức Bà Các-men. Thánh Giuse sẽ đến với Chúa Giêsu Hài Đồng để ban phép lành cho thế giới. 3/ Chúa rất hài lòng vì những hy sinh của các con. Người không muốn các con nằm ngủ với giây thừng quấn quanh mình, nhưng chỉ nên thắt giây vào ban ngày thôi.”
6. Đức Mẹ Hiện Ra Lần Thứ Sáu – Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi
Triều đại Đức Giáo Hoàng Piô V chỉ kéo dài 6 năm (1566-1572) nhưng là thời gian ghi dấu nhiều biến chuyển quan trọng. Nguyên là tu sĩ dòng Đa-Minh và là vị trưởng pháp tòa điều tra, khi lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Piô V tức khắc truyền cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo phải thi hành nghiêm chỉnh mọi chỉ thị và sắc lệnh của Công Đồng Chung Trentô. Công Đồng Trentô diễn ra trước đó ba lần. Lần thứ nhất từ 1545-1549. Lần thứ hai từ 1551-1552. Lần thứ ba từ 1562-1563. Công Đồng Trento quyết liệt đối phó với các hệ phái Tin Lành bằng cách cho duyệt xét lại toàn bộ kỷ luật Hội Thánh cũng như long trọng tái khẳng định các tín điều nền tảng của Giáo Hội Công Giáo. Cũng chính Đức Thánh Giáo Hoàng Pio V cho xuất bản cuốn Kinh Nguyện Giáo Sĩ năm 1568 và cuốn Sách Lễ Roma năm 1570. Với các hoạt động mục vụ trên đây, Đức Thánh Giáo Hoàng Pio V được kính nhớ như vị Giáo Hoàng có công nghiệp trong việc khẳng định Đức Tin Công Giáo vào một thời điểm có nhiều giao động. Thế nhưng, công nghiệp anh dũng nhất của Đức Piô V là ngài đã chủ xướng cuộc thủy chiến nơi kênh đào Lepantô vào ngày 7 tháng10 năm 1571. Cuộc thủy chiến đã thay đổi hẳn lịch sử Âu Châu mấy thế kỷ tiếp liền sau đó. 300 tàu chiến thuộc Liên Minh Thánh do Đức Piô V phối hợp từ các nước theo Kitô Giáo, chỉ nội trong vòng ngày 7-10-1571 đã đánh phá tan tành hạm đội hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ do Soliman 2 le Magnifique (1494-1566) điều khiển. Riêng Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V – người phối hợp cuộc thủy chiến – thâm tín sâu xa rằng chính quyền lực Kinh Mân Côi đã giúp cho trận chiến Lepantô chỉ diễn ra trong vòng một ngày và đã phá tan đoàn quân hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Với trọn lòng tri ân thảo hiếu, Thánh Giáo Hoàng Pio V đã thiết lập lễ kính Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7 tháng10 hàng năm, ngày ghi nhớ chiến thắng Lepanto 7-10-1571. Cuộc chiến thắng trận đánh nơi kênh đào Lepanto ở Hy Lạp đã giúp cho tất cả các nước Tây Âu theo Kitô Giáo thoát khỏi âm mưu thống trị của Hồi Giáo. Tây Âu đã tránh được thảm trạng xảy ra cho Kitô Giáo Đông Phương hơn một thế kỷ trước đó, khi Đông Phương bị quân hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ Constantinople đánh chiếm vào năm 1453.
Ngày Chiến Thắng Lepanto – trở thành biến cố biểu tượng đi vào lịch sử và ký ức, nói lên quyết tâm của Tây Phương sẵn sàng chiến đấu dành thắng lợi cho một lý tưởng cao cả. Hiệu quả do Chiến Thắng Lepanto mang lại không nằm trong lãnh vực chính trị cho bằng nằm trong lãnh vực tinh thần và luân lý. Nó củng cố sức mạnh cho Tây Phương trong hiệp nhất và hy sinh, mỗi khi có hiểm nguy xuất hiện. Biến cố Lepantô nhắc nhở các tín hữu khắp nơi rằng Đức Mẹ đã dùng Kinh Mân Côi làm khí giới thiêng liêng để chống lại mọi nhóm tôn giáo cực đoan đang gieo sai lầm, thù oán và bách hại. Ngày nay, mừng lễ này không còn ý nghĩa là mừng biến cố xa xưa đó, nhưng là nhắc nhớ việc suy niệm các mầu nhiệm Nhập Thể, Thương Khó và Phục Sinh vinh hiển của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, cũng như khám phá ra vị trí của Đức Trinh Nữ Maria ở trong mầu nhiệm Cứu Độ.
Trong Tông huấn Tôn sùng Đức Maria – Marialis Cultus (02/02/1974), Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dạy rằng Kinh Mân Côi là một kinh nguyện tuyệt vời. Vì vậy, người tín hữu cần được sức mạnh của lời kinh này lôi kéo tới chỗ đọc kinh này một cách trầm lắng. Trong Tông huấn Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria – Rosarium Virginis Mariae (16/10/2002), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II coi rằng Kinh Mân Côi là phương pháp cứu rỗi chắc chắn nhất. Qua hai văn kiện này, các Đức giáo hoàng đã quan tâm đặc biệt đến ý nghĩa, giá trị, sức mạnh, công hiệu và ơn ích của Kinh Mân Côi trong Giáo Hội hiện nay.
ĐGH Benedict XVI khuyên giới trẻ đọc Kinh Mân Côi, một kinh nguyện “giản dị” nhưng “hữu hiệu”. Kinh nguyện cần được “chuyên cần” và “liên đới với người khác”. Ngài khẳng định: “Cầu nguyện giúp chúng ta vượt thắng những thử thách của cuộc đời, vì kết hợp với Thiên Chúa giúp chúng ta cũng được liên kết mạnh mẽ với tha nhân.” ĐGH Phanxicô thường xuyên nói đến Kinh Mân Côi như là “một lời cầu nguyện luôn luôn đồng hành trong đời tôi, cũng là lời cầu nguyện đơn sơ của các thánh và lời cầu nguyện của tâm hồn tôi”. Sau ngày được bầu làm giáo hoàng, ĐTC Phanxicô đến cầu nguyện Kinh Mân Côi trước bức ảnh Đức Bà Phần Rỗi Dân Rôma (Salus Populi Romani) vào ngày 14.3,2013 và phó thác triều đại giáo hoàng của người cho Đức Mẹ.
a. Biến cố Đức Mẹ hiện ra lần thứ sáu ngày 13 tháng 10
T. Luxia thuật lại: Chúng con ra đi khá sớm vì đoán trước rằng thế nào cũng sẽ bị chậm trễ dọc đường. Từng đoàn người đông nghẹt tuôn ra khắp nẻo đường. Mưa xối xả như thác đổ. Mẹ con thì bị dằn vặt vì nghi ngờ về những gì sẽ xảy ra và lại sợ đây sẽ là ngày cuối cùng của đời con nên muốn đi cùng với con. Dọc đường, những màn như tháng trước lại tái diễn, nhưng nhiều và thảm thương hơn. Ngay cả những con …đường bùn lầy cũng không ngăn cản được họ qùy xuống với thái độ hết sức khiêm nhường khẩn khoản. Chúng con tới được cây sồi tại đồi Cova da Iria. Khi đến đó, do một sự thúc đẩy nội tâm, con yêu cầu mọi người xếp dù lại và đọc kinh Mân Côi. Một lát sau đó chúng con thấy tia sáng và rồi thấy Đức Mẹ hiện ra trên cây sồi.
“Thưa Mẹ muốn con làm gì?”
“Ta muốn nói với con rằng cần phải xây một nhà nguyện ở đây để tôn kính Ta. Ta là Đức Bà Mân Côi. Các con hãy tiếp tục đọc kinh Mân Côi mỗi ngày. Chiến tranh sắp chấm dứt và binh lính sẽ sớm được trở về nhà họ.”
“Con muốn xin Mẹ nhiều điều: Xin Mẹ chữa lành cho một số nguời bệnh, cho người tội lỗi được ơn hoán cải, và những điều khác nữa…”
Với vẻ mặt rất buồn, Đức Mẹ nói:
“Các con đừng xúc phạm đến Chúa chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm quá nhiều rồi.”
Rồi Mẹ xòe hai bàn tay ra phản chiếu ánh sáng lên mặt trời. Khi Mẹ lên cao, ánh sáng xuất phát từ đôi tay Mẹ tiếp tục chiếu vào mặt trời.
Kính thưa Đức Cha, đây chính là lý do khiến con kêu mọi người hãy nhìn lên mặt trời. Mục đích của con không phải bảo họ chú ý vào mặt trời vì con không ý thức rằng họ có mặt ở đó. Con được hướng dẫn làm như vậy vì có một sức mạnh nội tâm thúc đẩy.
Sau khi Mẹ biến vào khoảng xa vô tận của bầu trời thì chúng con nhìn thấy thánh Giuse cùng với Chúa Giêsu Hài Đồng, còn Đức Mẹ thì mặc áo dài trắng, bên ngoài khoác áo choàng xanh đứng bên cạnh mặt trời. Thánh Giuse cùng Đức Giêsu hình như đang ban phép lành cho thế giới vì Chúa và thánh Cả lấy tay vẽ Dấu Thánh Giá. Khi thị kiến này biến đi một lát sau thì con nhìn thấy Chúa và Đức Mẹ; theo con hiểu thì dường như đây là Đức Mẹ Sầu Bi. Chúa hình như ban phép lành cho thế gian cũng giống như cách thánh Giuse đã làm. Thị kiến này cũng tan biến và con được nhìn thấy Đức Mẹ một lần nữa, lần này thì giống như Đức Mẹ núi Carmelô.
b. Biến cố mặt trời múa tại Fatima ngày 13 tháng10
Dân chúng Bồ Ðào Nha rạo rực chờ đón hiện tượng đã được báo trước sẽ xảy ra trong lần hiện ra cuối cùng vào ngày 13 tháng 10 này. Cả hai nhóm ủng hộ cũng như chống đối, đều muốn ảnh hưởng sâu xa đến dân chúng. Vào đúng ngày 13 tháng 10, tuy trời đổ mưa và giá buốt, đoàn người khắp nơi vẫn tiếp tục lũ lượt kéo về hiện trường, nơi xảy ra sự lạ. Người ta ước đoán đã có khoảng 70,000 người thuộc đủ mọi thành phần xã hội xã hội từ khắp nơi tới Fatima. Trong số họ có cả những phóng viên của những hãng thông tấn danh tiếng tại Bồ Ðào Nha. Hàng ngàn người tuy bị ướt sũng nước mưa, nhưng vẫn kiên nhẫn đứng chờ sự lạ tại thung lũng Iria.
Ðúng giữa trưa, một tia sáng chói lọi báo cho các em biết sự xuất hiện của Đức Mẹ. Bỗng chốc một đám mây trắng bao phủ các em và người ta thấy đám mây lại bay lên cao độ mấy mét. Sau cuộc đối thoại với Lucia, Đức Mẹ liền mở rộng đôi tay và từ tay Mẹ phát ra một luồng sáng chiếu tận đến chân trời hướng về phía thái dương. Một lúc sau mặt trời bắt đầu quay tròn như một vòng lửa với một tốc độ rất nhanh, phát ra những tia lửa đỏ hồng và nền trời cũng như mặt đất đều chìm sâu vào trong ánh sáng huyền diệu. Sự kiện này xảy ra liên tiếp ba lần, cách nhau quãng chỉ trong chốc lát thôi, và mỗi lần xảy ra màu sắc lại thêm lộng lẫy hơn. Còn đám đông thì đứng lặng yên như nín thở, bị cuốn hút ngất ngây trong cảnh tượng kinh sợ.
Ðột nhiên, mặt trời tự tách ra khỏi bầu trời và tiến gần mặt đất với những bước nhẩy ngoằn ngoèo. Hàng ngàn người kêu la sợ hãi và đám đông trở nên hỗn loạn: “Chúng tôi chết mất!”, “Lạy Chúa Giêsu!”, “Phép lạ đấy!”, “Kính Mừng Maria!”, v.v… Mọi người không ai bảo ai liền quì gối và hát to kinh Tin Kính. Hiện tượng huyền diệu đó kéo dài độ 10 phút. Và không chỉ những người có mặt hôm đó tại Iria, nhưng cả những người khác ở chung quanh Fatima cũng được diễm phúc chứng kiến hiện tượng kỳ lạ hiếm có này. Một điều kỳ lạ nữa là áo quần của những người hiện diện đang bị ướt đẫm vì mưa, đột nhiên trở nên hoàn toàn khô ráo.
Kìa, hãy nhìn mặt trời!” Luxia bỗng kêu to lên, và tất cả mọi người có mặt liền được chứng kiến một hiện tượng kỳ lạ như chưa bao giờ có: Cơn mưa bỗng chốc tạnh hẳn, bầu trời đang tối sầm bỗng sáng rực và vầng thái dương xuất hiện trong ánh sáng huy hoàng trên bầu trời đứng ngọ. Ai cũng có thể nhìn thẳng vào mặt trời mà không bị hư mắt.
Trong khi mọi người đang bị thu hút bởi phép lạ mặt trời, thì ba em bé đạo hạnh lại được chứng kiến một hiện tượng khác nữa: Ba em nhìn thấy Thánh Gia đang đứng bên cạnh mặt trời, bên phải là Mẹ Maria mặc áo choàng mầu trắng và áo dài màu xanh, bên trái là thánh Giuse và Chúa Giêsu Hài Ðồng. Chúa ban phép lành cho thế giới.
c. Thi hành sứ điệp Đức Mẹ ngày 13 tháng 10
Khi hiện ra lần thứ sáu, 1/ Đức Mẹ muốn các em xây một nhà nguyện ở đây để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi; 2/ Đức Mẹ muốn các em hãy tiếp tục đọc kinh Mân Côi mỗi ngày; 3/ Đức Mẹ cho biết chiến tranh sắp chấm dứt và binh lính sẽ sớm được trở về nhà họ.
III. Kinh nguyện
Sau đây là Kinh Cầu Đức Bà
Xin Chúa thương xót chúng con.
– Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
– Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Xin Chúa thương xót chúng con.
– Xin Chúa thương xót chúng con.
Chúa Kitô nghe cho chúng con.
– Chúa Kitô nhận lời chúng con.
Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật.
– Thương Xót Chúng Con.
Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật.
– Thương Xót Chúng Con.
Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật.
– Thương Xót Chúng Con.
Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.
– Thương Xót Chúng Con.

Rất Thánh Đức Bà Maria.
– Cầu cho Chúng Con.
Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời.
Rất Thánh Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh.
Đức Mẹ Chúa Kitô.
Đức Mẹ có lòng thương xót
Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa.
Đức Mẹ là nguồn hy vọng
Đức Mẹ cực thanh cực tịnh.
Đức Mẹ cực tinh cực sạch.
Đức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng.
Đức Mẹ chẳng vướng bợn nhơ.
Đức Mẹ rất đáng yêu mến.
Đức Mẹ cực mầu cực nhiệm.
Đức Mẹ chỉ bảo đành lành.
Đức Mẹ sinh Chúa tạo thiên lập địa.
Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế.
Đức Nữ cực khôn cực ngoan.
Đức Nữ rất đáng kính chuộng.
Đức Nữ rất đáng ngợi khen.
Đức Nữ có tài có phép.
Đức Nữ có lòng khoan nhân.
Đức Nữ trung tín thật thà.
Đức Bà là gương nhân đức.
Đức Bà là tòa đấng khôn ngoan.
Đức Bà làm cho chúng con vui mừng.
Đức Bà là Đấng trọng thiêng.
Đức Bà là Đấng đáng tôn trọng.
Đức Bà là Đấng sốt mến lạ lùng.
Đức Bà như hoa hường mầu nhiệm vậy.
Đức Bà như lầu đài Đavid vậy.
Đức Bà như tháp ngà báu vậy.
Đức Bà như đền vàng vậy.
Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy.
Đức Bà là cửa Thiên Đàng.
Đức Bà như sao mai sáng vậy.
Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn.
Đức Bà bào chữa kẻ có tội.
Đức Bà nâng đỡ dân di cư
Đức Bà yên ủi kẻ âu lo.
Đức Bà phù hộ các giáo hữu.
Nữ Vương các Thánh Thiên Thần.
Nữ Vương các Thánh Tổ Tông.
Nữ Vương các Thánh Tiên Tri.
Nữ Vương các Thánh Tông Đồ.
Nữ Vương các Thánh Tử Vì Đạo.
Nữ Vương các Thánh Hiển Tu.
Nữ Vương các Thánh Đồng Trinh.
Nữ Vương các Thánh Nam cùng các Thánh Nữ.
Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông.
Nữ Vương hồn xác lên trời.
Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi.
Nữ Vương ban sự Bình An.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
– Chúa tha tội chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
– Chúa nhậm lời chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
– Chúa thương xót chúng con.
Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.
– Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.

LỜI NGUYỆN:
Chúng con lạy ơn Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, chúng con trông cậy Đức Bà là Chúa bầu chúng con. Xin cho chúng con biết lòng Đức Mẹ yêu dấu con mọn này còn ở dưới thế cách xa mặt Mẹ. Đức Chúa Giêsu xưa xuống thế gian, chẳng bỏ loài kẻ có tội, lại liều mình chịu nạn chịu chết vì hết cả và loài người ta. Đức Mẹ cũng một lòng theo con như vậy. Mẹ ôi, khoan thay, nhân thay, chớ trở mặt đi mà chẳng nhìn chúng con. Xin Đức Mẹ thương xem dạy dỗ yên ủi chúng con. Con cậy Mẹ có phép tắc nhiều trên hết Thiên Thần cùng trên hết các Thánh. Chúng con còn ở dưới thế nầy như kẻ đi biển cả vậy. Đức Mẹ là như ngôi sao chính ngự ở trời bên Bắc vậy. Xin Đức Mẹ dẫn đàng cho chúng con được theo, kẻo phải xiêu chìm sa hỏa ngục vô cùng. Chúng con trông Đức Mẹ cho chúng con ngày sau được vào cửa Thiên Đàng xem thấy mặt Đức Chúa Giêsu cùng mặt Đức Mẹ, được chịu muôn muôn sự phúc gồm hết mọi sự tốt lành chẳng hay hết chẳng hay cùng. Amen.