Chia Sẻ Ngắn Mỗi Ngày

Thứ Tư sau CN V Mùa Chay
– Đn 3, 14 – 20. 49 – 50. 91 – 92. 95
– Ga 8. 32 – 42

Trích sách Đaniel tường thuật câu chuyện ba cậu thanh niên trong lò lửa.

Nhà vua truyền lệnh xây dựng một tượng thần, rồi bắt mọi người thờ lạy, nếu không sẽ xử tử. Ba thanh niên chống lại lệnh vua, vì họ chỉ tin và tôn thờ một Thiên Chúa. Cuối cùng, Thiên Chúa đã cứu ba thanh niên khỏi lò lửa. Điều này chứng minh Chúa là Thiên Chúa đích thực. Ngoài Người ra, không có chúa nào khác.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy rằng, con người có khả năng tự mình quyết định: chọn con đường tự do và chân lý, hoặc chọn con đường dối trá và nô lệ cho sự dữ. Như vậy, con người có thể trở thành con Thiên Chúa, khi con người biết đón nhận Chúa Giêsu. Điều này cũng có nghĩa, chúng ta phải sống trong Lời Chúa, tuyệt đối tin tưởng và vâng phục chân lý của Chúa Giêsu Kitô.

Chính Chúa Giêsu là chân lý. Nhờ Người và trong Người, chúng ta tiếp xúc và gặp được Thiên Chúa cứu độ.

Những ai nô lệ cho thế lực sự dữ, không biết bản thân mất sự tự do, họ sẽ không ý thức mình cần ơn cứu độ. Họ quá kiêu căng tự mãn, lòng đầy ắp mưu toan thế gian, không dành chỗ nào cho Thiên Chúa, như vậy Lời Chúa và Thiên Chúa không thể đến với họ.

Trên danh nghĩa, chúng ta là người Kitô hữu. Nhưng thực tế, chúng ta đang sống ở tình trạng nào?

Thứ Hai sau CN V Mùa Chay
– Đn 13, 1- 9. 15 – 17. 19 – 30
– 8, 12 – 20

Trích sách Đaniel muốn khẳng định rằng, Thiên Chúa rất công minh, chính trực và công bằng. Đằng sau trình thuật Đaniel cứu Susanna, có lẽ còn mang ý nghĩa khác: Susanna là đại diện của dân Israel trung thành chống lại những cám dỗ dân ngoại và những kẻ sống sa đọa, để bằng giá giữ vững đức tin vào Thiên Chúa.

Đaniel được chọn để cứu người vô tội. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu trỗi vượt hơn Đaniel: Người không những bảo vệ kẻ vô tội, nhưng còn tha thứ cho người phụ nữ tội lỗi đang bị kết án tử.

Việc tuân giữ Lề Luật bề ngoài, đối với Chúa Giêsu không phải là điều trọng yếu , nhưng điều quan trọng là con người biết đáp lại hồng ân Thiên Chúa; và thực hành những đòi buộc yêu thương giống Thiên Chúa yêu thương loài người.

Quyền năng lớn lao của Thiên Chúa biểu lộ qua việc yêu thương tha thứ tội lỗi cho loài người. Điều này ứng nghiệm với câu Kinh Thánh: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống.” ( Ed 33, 11 )

Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta vô ngần. Còn chúng ta có thật sự tha thứ cho nhau chưa? Xin Chúa giúp chúng ta biết noi gương Chúa, bỏ qua những khiếm khuyết mà anh chị em đã trót phạm đến chúng ta.

Thứ Năm sau CN III Mùa Chay
– Gr 7, 23 – 28
– Lc 11, 14 – 23

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay là việc Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành một người bị câm. Do vậy, có người nói Chúa Giêsu sử dụng tướng quỉ Beelzebud mà trừ. Câu trả lời của Chúa Giêsu thể hiện uy quyền và dứt khoát.

Trong cuộc hành trình tiến về Giêrusalem, Chúa Giêsu phải đối diện với tình trạng chống đối của nhiều người. Họ theo dõi và tìm cớ để loại trừ Người. Khi diễn ra phép lạ chữa lành quỉ câm, những kẻ chống đối đã kết án Chúa Giêsu liên kết với quỉ vương. Ngụ ý của họ là muốn quy kết Chúa Giêsu sử dụng ma thuật. Vì theo luật Mô-sê, ai sử dụng ma thuật sẽ bị ném đá.

Chúa Giêsu khẳng định việc trừ quỉ của Người là dấu chứng Nước Thiên Chúa đã đến thế gian; và chính Chúa Giêsu là Hiện thân của Nước Trời.

“Ngón tay Thiên Chúa “ gợi lại biến cố Xuất Hành, khi Mô-sê đối đầu với các phù thủy Ai Cập; và các phù thủy đã nhận ra quyền năng của Thiên Chúa. Ở đây Chính Chúa Giêsu là uy quyền của Thiên Chúa và chính Người là Đấng Cứu Thế.

Thứ Ba sau CN III Mùa Chay
– Đn 3, 25. 34 – 43
– Mt 18, 21 – 35

Trích sách Daniel tường thuật lời cầu nguyện của Azarya. Đây là thể loại Thánh Vịnh hoặc lời cầu sám hối công khai, mang hình thức tuần tự.

Trước tiên là lời tuyên xưng Thiên Chúa: Thiên Chúa đã hành động đúng; bản án trên Giêrusalem rất công minh. Kế đến là trình bày sự khủng hoảng của dân Israel. Cuối cùng là lời cầu khẩn Thiên Chúa ra tay cứu giúp dân Người. Điều cần lưu ý ở đây, là chúng ta học cách thức cầu nguyện trong tâm tình khiêm tốn và tín thác.

Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh luật yêu thương. Vì yêu thương sẽ dẫn đến mọi hành động đức ái; đặc biệt là tha thứ cho nhau. Thẳng thắn mà nói, những gì chúng ta gọi là tha thứ cho nhau, thật sự chẳng là gì so với sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho loài người.

Chúa Giêsu khẳng định: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta thì Cha anh em cũng tha thứ cho anh em, nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em “. (Mt 6, 14 – 15). Câu nói này mang ý nghĩa rằng, chính thái độ của chúng ta cũng là câu trả lời cho chúng ta biết: chúng ta được Thiên Chúa tha thứ hay chúng ta bị kết án.

Câu hỏi của Phê-rô về sự tha thứ; và dụ ngôn về tên đầy tớ độc ác đòi buộc chúng ta phải bắt chước lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa trong việc tha thứ cho tha nhân một cách vô điều kiện và không biên giới.

Mùa Chay mời gọi sám hối, cũng chính là mời gọi chúng ta tha thứ cho nhau. Chúng ta xét mình xem, chúng ta có thật sự tha thứ cho anh chị em hay chưa? Giả như có tha thứ rồi, chúng ta có quên được lỗi lầm của người khác không?

Thứ Bảy sau CN II Mùa Chay
– Mk 7, 14 – 15. 18 – 20
– Lc 15, 1 – 3. 11 – 32

Trích sách Mikha là một lời nguyện, giống Thánh Vịnh cầu xin Thiên Chúa tha thứ và tái thiết những gì đã hư mất.

Từng câu chữ mà Mikha cầu nguyện, là gợi lại những hành động lớn lao của Thiên Chúa trong quá khứ. Tuy nhiên, dù quá khứ, hiện tại hay tương lai đều tồn tại bởi sự trung tín và lòng thương xót của Thiên Chúa. Tội lỗi của con người nặng nề và nhiều vô kể, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương tha thứ. Hành động này trỗi vượt hơn tất cả hành động khác, chứng tỏ Thiên Chúa là Đấng vĩ đại và quyền năng tuyệt đối.

Đọc bài Tin Mừng Luca , hẵng chúng ta còn nhớ các dụ ngôn: Con chiên lạc; đồng bạc bị đánh rơi; và người con hoang đàng (Trong bài Tin Mừng hôm nay). Ba dụ ngôn này là đáp án của Chúa Giêsu đối với lời trách móc của tầng lớp tư tế và Pharisêu : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”.

Chúa Giêsu muốn chúng ta biết rằng: Đối với Thiên Chúa, tội lỗi không là án phạt, cũng không phải là sự công bằng, nhưng là lòng thương xót.

Dụ ngôn “người con hoang đàng” ( nói đúng hơn phải gọi là dụ ngôn “Người cha nhân hậu”), cho thấy thái độ sống khác biệt của hai người con. Con thứ thì hoang đàng phung phá; con trưởng thì có vẻ chu toàn phận sự. Người con cả cư xử theo cách mà anh tự cho là công chính. Nhưng với Thiên Chúa thì vĩ đại đến vô tận: Thiên Chúa luôn tha thứ cho kẻ tội lỗi; đồng thời, Người còn hân hoan vui sướng, tựa như Người vui mừng khi nhìn ngắm công trình thụ tạo tốt đẹp mà Người đã tác tạo.

Có thể khẳng định “Thiên Chúa là tình yêu “, đồng nghĩa với “Thiên Chúa là niềm vui “ khi Người hằng tha thứ cho những ai biết thống hối ăn năn.

Chúng ta cứ tự hỏi mình: Tôi là người cha nhân hậu; là người con cả; hay là người con thứ?

Thứ Tư sau CN II Mùa Chay
Với hình thức Thánh Vịnh, ca thán, tiên tri Giêrêmia trình bày sự thất bại của ông và xin Thiên Chúa can thiệp.

Các tư tế và những kẻ khôn ngoan thế gian luôn tìm mọi phương thế để bắt vị tiên tri ra toà án. Điều này làm cho Giêrêmia đau buồn khắc khoải, vì ông kính sợ Thiên Chúa và luôn cầu khẩn ơn cứu độ cho dân tộc mình, một dân tộc mà ông hết mực yêu quý.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, Chúa Giêsu tiên báo Người sẽ lên Giêrusalem, bị bắt và bị giết chết. Các tông đồ ngầm phản ứng, qua thái độ “không hiểu gì cả “. Thật ra, không phải các ông không hiểu, mà các ông không muốn bước vào cuộc khổ nạn, vì sợ đau khổ.

Lúc bấy giờ, các tông đồ chỉ nhớ lại lời hứa của Chúa Giêsu: ngày phán xét, các tông đồ ngồi trên 12 ngai toà để xét xử 12 chi tộc Israel. Hình ảnh này thật là uy nghi, oai vệ, ai mà không thích cơ chứ! Vì vậy, các con ông Giêbêđê xin làm người đầu tiên trong cuộc phán xét này.

Chúa Giêsu trả lời bằng cách vừa khước từ, vừa mời gọi: lúc này chưa thể ngồi ngai toà, việc xét xử là của tương lai. Nhưng hiện tại các tông đồ hãy bỏ mình, cùng đi với Chúa trên con đường khổ giá. Người theo Chúa là phải phục vụ như tôi tớ, chứ không phải là “ ăn trên ngồi chốc “, để thống trị người khác.

Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Người là “Đày tớ”, con đường của Người là dấn thân phục vụ và hiến mạng sống cho loài người. Chúng ta đang đi theo con đường của Chúa Giêsu hay đang đi vào ngõ rẽ của riêng mình? Chúng ta đã biết, để được phục sinh vinh quan, chỉ có con đường duy nhất là con đường thánh giá của Chúa Giêsu.

Thứ Ba sau CN II Mùa Chay
– Is 1, 10. 16 – 20
– Mt 23, 1 – 12

Tiên tri Isaia nêu lên vấn nạn: liệu dân Chúa có bị trừng phạt như dân thành Sôđôm và Gômôrra không? Bởi lẽ, tất cả lễ vật, hương trầm, kinh nguyện… sẽ là giả dối, tệ hại, nếu dân Chúa không sống đức công bằng; nếu bao lâu vẫn còn những người neo đơn, goá bụa bị áp bức bất công.

Đức công bằng gắn liền với yêu thương, mà Tin Mừng luôn nhấn mạnh. Nhân đức này luôn đi đầu, trước khi cử hành phụng tự Thiên Chúa; đồng thời, nhân đức này là cơ sở để con người được ban thưởng hay bị kết án. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, mọi việc phụng thờ Thiên Chúa của kẻ tham lam, độc ác, không có tình yêu đối với anh chị em, không có tình người với nhau, sẽ là điều giả dối, vô giá trị.

Bài Tin Mừng hôm nay diễn tả thái độ của Chúa Giêsu đối với các luật sỹ và Phariseu: Chúa Giêsu tôn trọng tầng lớp này, vì họ “ngồi toà Môise “, họ có quyền giảng dạy và giải thích Luật cho dân, họ được mọi người kính trọng. Nhưng Chúa Giêsu gọi họ là “giả hình “. Vì cuộc sống và hành động của họ khác hoàn toàn với những gì họ dạy.

Khi chúng ta rao giảng Lời Chúa cho người khác, điều quan trọng là bản thân chúng ta phải sống Lời Chúa trước đã. Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy rõ, ai được mời gọi rao giảng Tin Mừng, thì phải biết học sống khiêm nhường.

Chúng ta vẫn nghĩ Chúa Giêsu gọi những người thời của Ngài là “giả hình “. Thật ra, lời khuyến cáo này không chỉ dành riêng cho dân Do Thái đâu! Chúng ta hãy tự vấn lương tâm, xem chúng ta đang sống ở tình trạng nào?

Thứ Bảy sau Lễ Tro
Trích sách Isaia được khởi đầu bằng những lời khuyến cáo rất cụ thể. Đó là chúng ta phải hủy bỏ các việc làm xấu xa như đối xử bất công, ngạo mạn…; phải thực hiện các việc làm tốt như cho người nghèo ăn, vì người nghèo chính là anh em của chúng ta.

Những người thật sự tìm kiếm Thiên Chúa, sẽ được Chúa ban nhiều ân sủng, trong đó có một quê hương bền vững, tựa thành Giêrusalem được tái thiết dành riêng cho những người luôn sống hiệp thông với Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay tường thuật Chúa Giêsu kêu gọi một người thu thuế. Điều này có nghĩa, Tin Mừng của Chúa được loan báo cho đủ loại người, không trừ một ai. Dù vậy, thực tế cho thấy, những người tội lỗi, nghèo nàn lại dễ dàng mau mắn đón nhận Lời Chúa; trong khi đó, những người được xem là đạo đức, giàu có vật chất lại xao lãng hoặc gặp phải khó khăn.

Người thu thuế được Chúa Giêsu gọi đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa. Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà người thu thuế, một người mà tầng lớp đạo đức cho là tội lỗi, bất xứng. Đối với họ, đây là cảnh tượng hết sức lạ lùng, nếu không muốn nói đây là một sự vấp phạm lớn.

Chúa Giêsu đã nêu rõ ý định của Ngài: Ngài đến thế gian để sống với người tội lỗi. Họ là những người cần được chữa lành; là những người có nhu cầu được kéo ra khỏi vũng bùn tối tăm.

Nói gọn một lời, Chúa Giêsu đến trần gian với mục đích giúp cho người tội lỗi, lầm đường lạc lối được trở về đường ngay nẻo chính, tức được trở về với Thiên Chúa.

Khi chúng ta khiêm tốn và ý thức mình mang thân phận yếu đuối tội lỗi, là chúng ta đang mở lòng mời Chúa đến để chữa lành vết thương trong linh hồn của chúng ta.

Chủ Nhật VI Thường Niên năm A
Tiếp nối bài giảng về Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải là ánh sáng và muối cho trần gian. Hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta về thái độ cần có đối với Lề Luật. Qua đó, Chúa Giêsu làm nổi bật sứ mạng Thiên Sai của Ngài là kiện toàn Lề Luật.

Sách Huấn Ca cho thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa qua việc Ngài tôn trọng tự do chọn lựa của con người. Trong thư 1 Cô-rin-tô, thánh Phaolô diễn tả sự khôn ngoan của Thiên Chúa là sự khôn ngoan mà Tin Mừng loan báo. Chính Chúa Giêsu mạc Khải mầu nhiệm và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại, để nhân loại được tham dự vào vinh quan của Thiên Chúa.

Nhìn về Cựu Ước, Lề Luật diễn tả sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nhưng khi Chúa Giêsu đến thế gian, Ngài đã kiện toàn Lề Luật. Nghĩa là Ngài nhấn mạnh thái độ nội tâm; làm cho Luật được nâng cao khi đặt con người dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Luật cũ và Luật mới khác nhau ở chỗ nào?

Luật cũ đã bị con người giải thích lạm dụng, biến Luật trở thành gánh nặng; khiến người ta sợ hãi, thất vọng, không dám tin vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Còn Luật mới là luật được Chúa Giêsu bổ sung và hoàn chỉnh. Giúp con người hiểu tinh thần của Luật, chứ không hiểu theo nghĩa con chữ đơn thuần. Khi Chúa Giêsu nói: “Ta không đến để hủy bỏ Lề Luật, nhưng để kiện toàn”, nghĩa là Chúa Giêsu hướng dẫn con người đạt đến đỉnh điểm của Luật là tình yêu của Thiên Chúa. Qua giáo huấn của Chúa Giêsu, chúng ta nhìn lại bản thân để thấy chúng ta sống như thế nào?

Chúng ta biết rồi, luật bảo vệ con người; và Luật Chúa giúp chúng ta thi hành thánh ý Chúa trong tinh thần yêu mến. Nhưng thực tế, con người dễ quên luật để sa vào tội lỗi. Bằng chứng, tội phạm diễn ra từng giờ trước mắt chúng ta đấy thôi! Nhìn gần hơn trong đời sống cộng đoàn và gia đình, chúng ta thấy không ít người chỉ thích dùng luật để ra lệnh, áp đặt nhau; hoặc có khối người làm việc chỉ vì sợ hãi, miễn cưỡng. Mặc dù những người ấy rất siêng năng đọc kinh, dự lễ; xây dựng tượng Chúa, Đức Mẹ thật to trước nhà… Nhưng họ làm để mọi người khen ngợi là đạo đức, lành thánh; cốt che đậy những điều xấu, những thủ đoạn mờ ám. Họ giữ đạo theo luật, vênh vang tự đắc, nhân danh luật để lên mặt chửi mắng, thống trị người khác. Đời sống cộng đoàn và gia đình mà như vậy thì có khác gì hỏa ngục. Vì nơi nào không có tình yêu, nơi đó là hỏa ngục rồi còn gì!

Thiên Chúa ban cho con người tự do và khôn ngoan để chọn lựa cái tốt, hầu đạt đến hạnh phúc. Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta đừng giữ Luật Chúa bằng hình thức, nhưng phải xuất phát từ tâm hồn. Hình thức chỉ có giá trị khi nó được thúc đẩy từ ý hướng lành thánh bên trong. Và điều quan trọng hơn cả, là chúng ta giữ luật vì tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Đây mới thật sự là chọn lựa tự do và khôn ngoan của chúng ta.

Chủ Nhật V Thường Niên năm A
Dân gian có câu: “Ăn nhạt mới nhớ đến muối; trời tối mới nhớ đến đèn”. Không lạ gì với chúng ta, muối và ánh sáng là những thứ rất bình thường trong cuộc sống. Vậy mà Tin Mừng hôm nay Chúa nói đến hình ảnh bình thường ấy. Ý Chúa muốn nhắn gởi gì cho chúng ta?

Chúng ta biết rồi, con người mà thiếu muối sẽ phát sinh nhiều bệnh tật; thức ăn không muối sẽ vô vị hoặc hư thối. Chúa Giêsu dùng hình ảnh của muối để mời gọi chúng ta: “Chính anh em là muối cho đời”. Lẽ thường, muối phải tan biến đi thì mới có ích. Khi được sử dụng, muối tự hòa tan và thẩm thấu, nhằm bảo vệ và tạo hương vị cho thực phẩm. Chính Chúa Giêsu đi bước trước, hoà tan địa vị Thiên Chúa của Ngài, nhằm làm cho thế gian tươi tốt và thắm đượm tình yêu. Từ đó, Ngài mời gọi chúng ta hoà tan và ướp mặn cho đời, đang lúc dòng đời nhạt nhiều thứ, đặc biệt nhạt đức tin vào Thiên Chúa.

Bản chất của muối là mặn, nhưng Chúa lại bảo: muối mà nhạt sẽ trở nên vô dụng, vứt nó ra ngoài cho người ta chà đạp. Điều này khiến chúng ta có vẻ sợ và có cảm tưởng: nếu chúng ta không sống đầy đủ ơn gọi của một Kitô hữu, chúng ta sẽ bị gạt ra khỏi Nước Trời. Điều này không sai, nhưng tốt hơn hết, chúng ta nghiệm ra rằng: để ướp mặn đời, chính chúng ta phải có vị mặn của yêu thương, tha thứ, nhân hậu… Đặc biệt trong đời sống thiêng liêng, nếu không có vị mặn của đức tin, chúng ta sẽ nhạt lòng trông cậy, vô vị trong lòng mến; không giúp được gì cho đời; và bản thân vuột mất ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chưa dừng ở đây, Chúa còn đòi hỏi chúng ta nhiều hơn nữa. Người muốn chúng ta phải như thế nào?

Nói cho cùng, chúng ta chỉ là người phàm như mọi người. Thậm chí còn thua kém nhiều người nữa là đàng khác. Thánh Phaolô nói: “Anh em chỉ là những gì không không trước mặt thế gian”. Vậy mà Chúa lại bảo: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Người muốn chúng ta vươn cao như xây thành trên núi; rực rỡ lên như đèn đặt trên đế. Thế có oai không chứ?! Thật sự chẳng oai chút nào! Nhìn lại mình đi! Chúng ta còn tối hơn cả bóng tối. Chỉ có Chúa là ánh sáng chiếu rọi vào chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi tối tăm. Vậy lẽ nào ánh sáng của chúng ta là thứ ánh sáng vay mượn sao? Không phải thế đâu! Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô kể. Nhờ Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được tham dự vào bản tính ánh sáng của Thiên Chúa, được mang trong mình ánh sáng và sự sống của Ngài. Vì vậy chúng ta không ngần ngại chiếu tỏa ánh sáng cho thế gian. Vấn đề là chúng ta chiếu tỏa thế nào?

Giữa một thế giới biến động, cuộc sống đầy dãy bóng tối của hận thù, ích kỷ, lọc lừa… Chúa mời gọi chúng ta rực rỡ và chiếu tỏa công lý, hoà bình, thánh thiện…. bằng đời sống khiêm nhường, yêu thương, chia sẻ….; thánh hoá bản thân, nêu gương sáng cho người khác, sưởi ấm những tâm hồn băng giá bằng việc lành và lời nói đạo đức.

Lời Chúa vẫn mãi vang vọng, nhắc chúng ta suy nghĩ về vai trò và trách nhiệm của người Kitô hữu. Vẫn biết chúng ta chỉ là hạt muối bình thường nhỏ nhoi giữa sa mạc đời, là ánh sáng leo lét giữ bão tố phong ba. Nhưng nhờ ơn Chúa, chúng ta nỗ lực giữ chất mặn bền bỉ và ánh sáng không tắt đi. Để như Chúa, chúng ta luôn biết hoà tan và chiếu sáng cho tha nhân.