Hội Nghị về “Bảo Vệ Các Vị Thành Niên Trong Giáo Hội”

1. Mục đích
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức Hội Nghị về Việc Bảo Vệ Các Vị Thành Niên từ ngày 21 đến 24 tháng hai tại Vatican. Mục đích cụ thể của Hội Nghị là: mọi Giám mục phải hiểu rõ điều các ngài cần làm để ngăn ngừa và chống trả vấn đề hoàn cầu về việc lạm dụng tình dục các vị thành niên. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết rằng lạm dụng tình dục một vấn đề hoàn cầu chỉ có thể được giải quyết bằng một giải pháp hoàn cầu. Đây là một cuộc hội họp của các Mục Tử, một cuộc hội họp có đặc điểm là cầu nguyện và biện phân, một cuộc hội họp giáo lý và làm việc. Sau khi từ Rôma trở về đất nước và giáo phận của mình, các Giám mục hiểu các luật lệ cần được áp dụng và đưa ra các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa việc lạm dụng, săn sóc các nạn nhân, và bảo đảm để không một trường hợp nào được che đậy hay chôn vùi.

2. Tham dự viên
Tổng cộng có 190 người tham dự Hội nghị 4 ngày (21-24-2-2019) tại Vatican: Đức Thánh Cha, ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin, 5 thành viên Hội đồng HY cố vấn của ĐTC, 14 vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh, 5 vị trong ban tổ chức (điều hành và phát ngôn viên), 114 vị Chủ tịch các HĐGM Công Giáo La tinh, 14 vị thủ lãnh các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, 15 GM ở các nước không thuộc HĐGM nào, 12 nam tu sĩ thuộc Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền Dòng nam và 10 nữ tu sĩ thuộc Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền Dòng nữ.

3. Cấu trúc
Các yếu tố cơ bản của Hội Nghị là: cầu nguyện và lắng nghe; thuyết trình và đặt câu hỏi; thảo luận theo nhóm; kết luận của Đức Thánh Cha.
Cầu nguyện: Có cầu nguyện vào đầu và cuối ngày làm việc. Có buổi Phụng vụ Sám hối vào chiều thứ Bảy và Thánh Lễ đồng tế vào sáng Chúa Nhật.
Các bài thuyết trình: Tổng cộng có 9 bài thuyết trình: 3 bài mỗi ngày. Hai vào buổi sáng và một vào buổi chiều. Tiếp theo là một khoảng thời gian đặt câu hỏi và trả lời.
Làm việc nhóm: Mỗi ngày có hai lần cho việc thảo luận theo nhóm: một vào buổi sáng và một vào buổi chiều. Những người tham gia sẽ gặp nhau trong các nhóm để thảo luận về các bài thuyết trình. Mỗi nhóm sẽ làm một bản tóm tắt về cuộc thảo luận của họ để chia sẻ với Hội Nghị vào buổi tối.
Ngôn ngữ Anh Pháp Tây Ban Nha và Ý là tiếng chính xử dụng trong Hội Nghị.
Đức Thánh Cha phát biểu tại buổi khai mạc, khi cần thiết, vào cuối ngày và vào buổi kết thúc.

4. Chương trình
Ngày thứ Năm (21-2), ĐTC đọc diễn văn khai mạc và chiếu 1 video chứng từ của các nạn nhân. Mỗi ngày có 3 bài bài thuyết trình, 2 ban sáng và 1 ban chiều đê gợi ý cho các cuộc thảo luận trong 11 nhóm nhỏ. Mỗi nhóm khoảng 18 người theo các ngôn ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Italia. Trong phiên họp cuối ngày, có khoảng 1 giờ được dành cho các phúc trình về cuộc thảo luận của mỗi nhóm. Trước kinh nguyện kết thúc có phần trình bày chứng từ của một nạn nhân.
Ngày thứ Sáu (22-2): 3 buổi thuyết trình, thảo luận nhóm, chứng từ và kinh nguyện.
Ngày thứ Bẩy (23-2): 3 buổi thuyết trình và thảo luận nhóm. Ban chiều có nghi thức thống hối tại Hội trường Regia. Phần bài giảng do Đức Tổng Giám Mục Philip Naameh của tổng giáo phận Tamale, Ghana, về Dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng. Ngài kết luận: Hãy chinh phục niềm tin của anh chị em của chúng ta trong các hội đoàn và cộng đồng, khôi phục lại sự tin tưởng của họ, và thiết lập lại ý muốn sẵn sàng hợp tác với chúng ta, để góp phần thiết lập Nước Thiên Chúa.
Chúa Nhật (24-2): Thánh lễ bế mạc. Bài giảng do Đức Cha Mark Coleridge, TGM giáo phận Brisbane, Chủ tịch HĐGM Australia đảm nhận. Ngài kết luận: Với lễ này, chúng ta đồng thanh nói “có” khi tại bàn thờ, chúng ta hòa lẫn các thất bại và phản bội, tất cả niềm tin, hy vọng và tình yêu của chúng ta vào lễ hy sinh của Chúa Giêsu, Nạn nhân và Đấng Chiến Thắng, Đấng “lau khô nước mắt khỏi mọi con mắt, và cái chết sẽ không còn nữa, sẽ không còn thương tiếc hay khóc lóc hay đau đớn nữa, vì những điều trước đây đã qua đi” (Kh 21: 4). Amen.
Sau thánh lễ có diễn văn kết thúc của ĐTC.

5. Các chủ đề
Mỗi ngày có một chủ đề: Ngày thứ nhất là “Tinh Thần Trách nhiệm”; ngày thứ hai là “Trách Nhiệm Giải Trình”; và ngày thứ ba là “Tính minh bạch”. Mỗi chủ đề này được khai triển sâu sắc trong ba bài thuyết trình. Mỗi bài thuyết trình sẽ tập trung vào chủ đề có liên quan đến: cá nhân vị Giám mục và các trách nhiệm của ngài; mối quan hệ của một Giám mục với các Giám mục khác; mối quan hệ của các Giám mục với dân Chúa và xã hội.

6. Diễn giả và đề tài
Những vị thuyết trình được chọn để có thể đại diện cho nhiều châu lục, văn hóa và tình huống trong Giáo hội. Có 9 diễn giả tại khóa họp.
ĐHY Luis Antonio Tagle, TGM giáo phận Manila, Philippines, nói về” Mùi chiên. Cảm nhận những khó khăn và chữa lành các vết thương, trọng tâm nghĩa vụ của vị mục tử”
Đức TGM Charles Scicluna, Malta, nói về” Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến. Đảm nhận trách nhiệm”
ĐHY Ruben Salazar Gomez, TGM giáo phận Bogotà, thủ đô Colombia, trình bày về” Giáo Hội bị đâm thâu qua. Đương đầu với những xung đột và quyết liệt hành động”
ĐHY Oswald Gracias, TGM Bombay Ấn độ, nói về “Đoàn thể tính: được sai đi thi hành sứ mạng”
ĐHY Blase Joseph Cupich, TGM Chicago, Hoa Kỳ, nói về:” Công nghị tính: trách nhiệm chung”
ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM Đức, trình bày về” Một cộng đồng tín hữu minh bạch”.
Bà Linda Ghisoni, Phó Tổng thư ký Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, nói về đề tài” Hiệp thông: cùng hành động”.
Ngoài ra, nữ tu Veronica Opennibo người Nigeria trình bày về đề tài” Sẵn sàng: được sai đi trong thế giới”. Nữ ký giả Valentina Alazraki người Mêhicô nói về đề tài truyền thông, đặc biệt là vấn đề minh bạch truyền thông trong việc chống lại lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội.

7. Gặp gỡ các nạn nhân
Trong quá trình chuẩn bị cho Hội Nghị, các tham dự viên được mời gọi lắng nghe chính các nạn nhân tại địa phương để có thể nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề trong lãnh thổ của họ. Lắng nghe và thấu hiểu những đau khổ của những trẻ vị thành niên đã bị lạm dụng tình dục bởi giáo sĩ là điểm khởi đầu cần thiết cho việc dấn thân nghiêm chỉnh chống lại lạm dụng tình dục. Các tham dự viên sẽ nghe lời khai của nạn nhân khi bắt đầu cuộc họp và trong buôi cầu nguyện buổi tối. Mỗi nạn nhân nói vài điều về trường hợp của họ: lạm dụng gây cho họ bị tổn thương suốt đời, bị sỉ nhục, bị hoang mang, bị loại bỏ, bị nghi ngờ, bị im lặng, muốn trốn thoát chính mình, muốn chết…Các nạn nhân chia sẻ: 1/ “Điều làm tổn thương nhiều nhất là không ai hiểu bạn. Điều đó đeo bám bạn đến hết cuộc đời… Bây giờ tôi đã xoay sở để đối phó với điều này tốt hơn. Tôi cố gắng tập trung vào quyền được sống mà Chúa ban cho tôi. Tôi có thể và tôi được có mặt ở đây. Điều này cho tôi sự can đảm”, 2/ Điều duy nhất con yêu cầu Qúy vị – và con xin Chúa Thánh Thần – giúp khôi phục niềm tin đó vào Giáo hội – để những ai không muốn lắng nghe Chúa Thánh Thần và những người muốn tiếp tục che đậy, hãy rời khỏi Giáo hội để nhường chỗ cho những người muốn tạo ra một Giáo hội mới, một Giáo hội đổi mới và một Giáo hội hoàn toàn không có chuyện lạm dụng tình dục. Con phó thác tất cả những điều này cho Đức Trinh nữ, cho Chúa, để tất cả những điều này trở thành hiện thực; 3/ Tôi tha thứ cho vị linh mục và giám mục đó từ trong trái tim. Tôi cảm ơn Chúa vì Giáo hội, tôi biết ơn khi được ở trong Giáo hội. Tôi có nhiều người bạn linh mục từng giúp đỡ tôi; 4/ Hôm nay con ở đây, và cùng với con là tất cả những chàng trai và cô gái bị lạm dụng, tất cả phụ nữ và đàn ông, đang cố gắng tái sinh từ các vết thương của họ. Nhưng, trên hết, cũng có những người đã cố gắng nhưng không thành công. Chính từ đây, với họ trong trái tim, chúng ta phải cùng nhau bắt đầu lại.

8. Vài điểm đáng nhớ
a) Phần cảm động nhất của Hội Nghị là lời thú tội lỗi tập thể của Đức Thánh Cha Phanxicô và gần hai trăm Hồng Y, Giám mục và vị lãnh đạo Giáo Hội trong Phụng Vụ Sám Hối. “Chúng tôi thú nhận rằng các giám mục, linh mục, phó tế và tu sĩ trong Giáo Hội đã gây ra bạo lực với trẻ em và thanh thiếu niên, chúng tôi đã che chở cho những tội lỗi, chúng tôi đã không thừa nhận sự đau khổ của nhiều nạn nhân, và các Giám mục chúng tôi đã không sống đúng theo trách nhiệm của mình”. “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con, Kyrie eleison. Xin Chúa thương xót chúng con”. b) Phần ấn tượng nữa là các nạn nhân đã can đảm gặp gỡ, chia sẻ, tha thứ và thông hiệp với các vị lãnh đạo trong Giáo hội với niềm hy vọng cá nhân và cộng đoàn được chữa lành nhờ ơn Chúa. c) Trong bài diễn văn kết thúc, ĐTC đã nêu lên những hướng đi cụ thể cho các Giám mục. Ngài nhấn mạnh rằng: “Kết quả tốt nhất và giải pháp hiệu quả nhất mà chúng ta có thể cung cấp cho các nạn nhân, cho Mẹ Hội Thánh và toàn thế giới, là cam kết hoán cải cá nhân và tập thể, khiêm tốn học hỏi, lắng nghe, hỗ trợ và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất”.
Tóm lại, Hội Nghị Về Bảo Vệ Các Vị Thành Niên này đã chứng tỏ rằng các Giám mục cùng nhau đối diện vấn đề chung, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm chung và cùng hợp lực hành động chung để Giáo hội được thanh tẩy và thánh hóa.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP