Thánh Gioan Don Bosco

I. Cuộc đời
Gioan Bosco sinh ngày 15.08.1815, lễ Ðức Mẹ Lên Trời, tại làng Becchi, Marialdo, thị trấn Castelnuovo d’Asti, bắc Ý. Ngày 17, Gioan được rửa tội do cha Giuse Festa. Trong sổ rửa tội ghi tên em nhỏ : Bosco Joannes Melchior. Melchior là tên ông nội. Cha là Phanxico Aloysii. Mẹ là Magarita Occhiena di Capriglio (+1865). Ông bà thành hôn năm ông 28 tuổi bà 24 tuổi. Ông qua đời lúc 34 tuổi (12.5.1817). Năm đó, Bosco mới 22 tháng, mẹ kéo Gioan vào buồng khóc, nói : Bố không còn nữa. Trên mộ ông có ghi hàng chữ: Orphanorum pater (cha của những trẻ mồ côi) Gia đình có ba anh em : Antôn con mẹ trước, Têrêxa mất khi mới hai ngày. Giuse và Gioan. Trong nhà còn bà nội, 70 tuổi.

Cuộc đời Gioan Don Bosco gồm 3 phần: 1. Giai đoạn Mẹ góa con côi. 2. Giai đoạn khởi đầu sứ vụ linh mục. 3. Giai đoạn mở rộng hoạt động tông đồ.

Cha Bosco dành trọn cuộc đời để phục vụ người trẻ. Trước khi qua đời, (31.01.1888), cha nói : Hãy nói với các bạn trẻ, ta chờ chúng ở trên Thiên Ðàng. Thánh nhân được phong Chân Phước 02.06.1926, và Hiển Thánh 1.4.1934, do ÐGH Pio XI. Khi phong thánh, ÐHG tôn vinh Don Bosco là cha và thầy của thanh thiếu niên. Lễ kính 31.1. hàng năm. Năm nay 2015, kỷ niệm 200 sinh nhật thánh Gioan Bosco, ÐGH Phanxico nói : Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thánh nhân, xin hoán cải giới trẻ trong tinh thần tươi trẻ huynh đệ như xưa, ngài đã đào luyện.

I. Giai đoạn Mẹ góa con mồ côi
Gia đình trải qua thời kỳ chết đói. Dân làng không có bột bắp hay mì để ăn. Nhiều người chết đói ngoài đường, miệng còn ngậm cỏ. Mẹ có tiền nhưng không mua được thức ăn. Khi không còn thức ăn, Mẹ sang nhà bên cạnh vay ít thực phẩm nhưng bị từ chối. Lúc đó, bà nói với các con : Bố dặn khi sắp chết – phải có lòng tin. Nghe lời bố cả nhà qùi xuống cầu kinh. Rồi bà xuống bắt con bê, nấu một phần cho con ăn, qua cơn đói.

Ngay trong những ngày đói kém, có người ngỏ ý muốn kết hôn. Bà từ chối : Thiên Chúa cho tôi một người chồng. Nay Chúa cất đi. Anh trao lại cho tôi ba đứa con. Tôi sẽ là người mẹ độc ác nếu bỏ rơi chúng, đang khi chúng cần tôi. Người ta nói với bà tìm cho mỗi đứa một người giám hộ tốt. Bà trả lời : giám hộ chỉ là bạn. Tôi là mẹ không bao giờ bỏ con, dù cho tôi vàng bạc.

Bà quan tâm dạy các con đọc kinh chung, lần chuỗi và cầu nguyện. Khi Bosco lên sáu tuổi, bà dẫn con đến nhà thờ tham dự Lễ, bà xưng tội trước, sau đến con. Ðức Giáo Hoàng Pio XII nói về gia đình bà : Hãy xem bà góa cùng ba đứa con cầu nguyện. Chúng như thiên thần nhỏ.

Sau cơm tối, con cái vây quanh, bà nhắc các con 10 giới răn, kể cho con cuộc tử nạn Chúa Giêsu. Sau này, Bosco kể lại mình có lòng tôn kính Phép Thánh Thể là nhờ mẹ.

Mẹ con không có nghề trong tay, nên Bosco phụ giúp gia đình bằng nhiều việc như chăn bò, bửa củi, bồi bàn càfê, may quần áo… Năm 11 tuổi, Gioan đi bộ 4 cây số đến trường học do các linh mục điểu hành. Bosco mất học nhiều năm vì gia đình nghèo khó và lận đận. Tử nhò, anh muốn trở thành linh mục nhưng sợ mẹ vất vả tốn kém. Bà đã nói với con : đừng băn khoăn. Mẹ nghèo, sống nghèo và chết nghèo. Bà buồn khi thấy anh của Gioan nóng tính hay hành hạ em. Cha sở thấy Gioan thông minh nên chọn vào nhà xứ học latinh chuẩn bị đi tu. Anh ghét nên bắt Gioan làm việc tối ngày và đánh đập em có khi bị ngất xỉu. Nhìn xa, biết con sẽ đau khổ, bà gửi con tới nhà cậu em cách xa 20 cây số. Ở đó, em phải thức khuya dậy sớm làm bánh mì nặng nhọc. Gioan lấy sách ra học dưới ánh lửa tối.

Sau ngày người anh lập gia đình ở riêng. Bà mẹ đem con về nhà và gửi vào cha xứ tiếp tục tu luyện. Ngày con nhập chủng viện Torino, bà phải bán áo cưới để may cho con áo chùng thâm. Bà nói với Gioan Bosco trước khi vào chủng viện Chierino ở Torino : Mẹ tràn đầy niềm vui, khi thấy con mặc áo chùng thâm, nhưng con nên nhớ ‘‘chiếc áo không làm nên thầy tu’’. Nếu ngày nào con nghi ngờ ơn gọi, thì mẹ van xin con, hãy chọn con đường khác. Mẹ thích đứa con nông dân nghèo hơn linh mục sao lãng bổn phận. Lúc con chào đời, mẹ đã dâng con cho Đức Mẹ. khi con đi học, mẹ đã dặn con tôn kính Người trong khó khăn. Giờ đây con hãy chọn Đức Mẹ là nữ vương của con.

II. Giai đoạn khởi đầu sứ vụ linh mục
Ngày con thụ phong linh mục năm 1884, bà qùi nhận phép lành và nói : Mẹ sung sướng thấy con thành linh mục. Con hãy thành tâm phụng sự Chúa và các linh hồn. Cha làm tuyên úy nhà tù, sau có mẹ phụ giúp, phục vụ giới trẻ trong xóm lao động, tuyên úy lưu xá sinh viên. Từ 1856, hai mẹ con trực tiếp nuôi khoảng 150 đến 200 trẻ em. Giờ đây, cha Gioan có thể bắt tay thực hiện ước mơ. Lần đầu 1 trẻ đến. Ba hôm sau có 9 em. 3 tháng có 25 em. Chẳng bao lâu, toàn trẻ mồ côi đến. Sáng có lễ và xưng tội. Chiều có giáo lý và hát vui. Cha lập các ‘‘nguyện xá’’ qui tụ thanh thiếu niên vui chơi. Cha có thiên tài viết nhạc thuyết phục trẻ và chủ trương : Nhà Salésiens thiếu âm nhạc, chỉ là xác không hồn.

Với mẹ Margarita, cha Gioan Bosco trở thành nhà giáo dục thanh thiếu niên tài giỏi. Có lần thấy mẹ lạnh, ăn mặc lôi thôi, cha mua cho mẹ áo mới. Lâu không thấy mẹ mặc, cha hỏi. Mẹ trả lời đã bán phụ tiền nuôi trẻ. Sau nhiều năm phụ con, cạn tiền, lại già, kiệt sức, vì lũ trẻ tinh nghịch, phá phách bà xin nghỉ. Cha nói với mẹ: Vắng mẹ, còn ai giúp con. Bà mẹ mắt mờ, lưng còng, hai mẹ con nhìn nhau, nước mắt lưng tròng, nói : Gioan con, mẹ hiểu và ở lại với con….cho đến chết. Tụi nó là con mẹ. Bà qua đời năm 1865, sau 20 năm phụ con giáo dục, giúp trẻ em. Ai cũng mộ mến gọi bà : Má Margarita. Hiện có tượng Má lớn tay cầm giỏ hoa ngay cổng vào làng cũ xưa.

Do Thiên Chúa và Ðức Mẹ soi sáng, Cha nghĩ ra nơi tập trung cho thanh thiếu niên đến ngày một đông. Cha đặt tên cho trung tâm này Nguyện Xá. Các linh mục, dân chúng, trong vùng không tán thành vì cha lôi kéo bọn trẻ nên chúng không đến nhà thờ. Chính quyền gây khó khăn vì đám trẻ gây ồn ào và mất an ninh. Ban đầu, cha tập trung thanh thiếu niên ngoài cánh đồng. Chúng ngủ lều lưu động bất kỳ mưa gió. Khó khăn nhất là thực phẩm. Có những ngày, cha dẫn đàm em xin ăn. Nhiều người nhìn vào và nghĩ rằng cha điên. Nhưng cha kiên tâm nên được nhiều người thiện nguyện giúp đỡ. Trong các Nguyện Xá có thánh lễ, ca hát, các lớp học chữ và nghề.

2. Giai đoạn mở rộng hoạt động tông đồ
Một mình không thể làm mọi việc. Có lần Cha mệt bị ngã tưởng chết. Từ năm 1859, cha và các cộng sự viên có ý tưởng lập Dòng chuyên giáo dục thanh niên. Ngài muốn tu sĩ sống theo tinh thần của thánh Phanxicô Salêsiô. (do đó các tu sĩ được gọi là Salésiens). Dòng được Tòa Thánh công nhận ngày 22.07.1864 với danh hiệu Hội Ðạo Ðức thánh Phanxico Salêsiô. Đức Giáo Hoàng Piô IX phê chuẩn hiến luật năm 1783.

Năm 1859, Dòng có ngành nam tên là ‘Tu đoàn Tông đồ thánh Phanxico Salêsiô’’, sau này thường được gọi là Tu đoàn Tông đồ Cha Bosco (Società di Don Bosco – SDB). Dòng lo giáo dục, dạy nghề cho thanh thiếu niên. Dòng còn lo truyền giáo. Triết lý giáo dục là hiểu biết và yêu thương giới trẻ. Chân phước linh mục Michel Rua là 1 trong 8 tu sỹ khấn dòng đầu tiên. Cha làm Bề trên kế nghiệp Cha Bosco, cũng là người được chọn trong những em được cha Bosco nuôi. Khẩu hiệu Dòng : Da mihi animas, coetera tolle, Xin cho tôi các linh hồn. Các sự khác cứ lấy đi (x.St. 24, 21-23

Năm 1872, Cha cùng thánh Marie Mazzarello lập Dòng Nữ mang tên ‘‘Dòng Con Ðức Mẹ Phù Hộ Giáo Hữu’’ (FMA)

Năm 1876, Cha bề trên tổng quyền Phillip Rinaldi (sau là chân phước) thành lập ‘‘Chí nguyện Don Bosco (VDB) nhiệt tâm với giới trẻ. Họ là những người độc thân, có nam, có nữ được thánh hiến. Dưới sự hướng dẫn của linh mục Salésiens.

Sau khi Thánh Gioan Bosco qua đời, những người tình nguyện và cựu học sinh mộ mến Dòng, lập ra ba tổ chức sau để yểm trợ cho Dòng tiếp tục đào tạo thế hệ trẻ.

– “Hội Cựu học viên Don Bosco”’ (FMA) gồm những học sinh đã chịu ơn Salésiens, rải rác khắp nơi, đóng góp tài sức cho Dòng Salésiens.

– “Hội Cộng tác viên Salésiens’’ gồm giáo dân sống trong gia đình và cả linh mục trong xứ đạo, sống Tin Mừng theo tinh thần Don Bosco, trên thế giới, phục vụ giới trẻ địa phương.

– ”Hội Truyền giáo giáo dân Salésiens’’ gồm nam nữ độc thân hay có gia đình, làm việc tự nguyện, ít ngày, bên cạnh SDB, FMA, tại các nước truyền giáo, có người Salésiens.

2. Con đường nên thánh
Lên 9 tuổi, Gioan có giấc mơ đầu tiên rất ấn tượng. Gioan quyết định: mình sẽ là linh mục. Các thị kiến và các linh tính lớn nhỏ như đáp số bài toán được nhắc cho biết các bách hại, các giao động của Giáo hội sắp tới mà chỉ có Đức Mẹ, Phép Thánh Thể, là trọng tâm của linh đạo Dòng Salê mới có thể giúp đỡ được.

Suốt đời, cha Gioan Bosco tôn kính Đức Mẹ và kêu cầu Đức Mẹ dưới tước hiệu Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu’’. Từ lúc mới chào đời, mẹ ngài đã dâng ngài cho Đức Mẹ. Khi con đi học, mẹ ngài dặn con mình tôn kính Đức Mẹ trong lúc khó khăn. Mẹ Maria là Nữ vương của ngài.

Thánh nhân đã dùng một câu Thánh Kinh làm châm ngôn: Hãy ban cho con các linh hồn và hãy lấy đi tất cả những gì còn lại (St 14,21). Linh đạo của ngài nằm trong hoạt động mà ngài nhấn mạnh: “Không phải sám hối hay kỷ luật mà tôi khuyên anh em, nhưng là lao động, lao động, lao động…” Lao động “là công trình của Thiên Chúa” và công trình của Thiên Chúa là “công trình các linh hồn “ được hoàn thành trong thinh lặng, vì như ngài luôn nói: “Sự thiện hảo không ồn ào, và sự ồn ào không làm nên việc thiện.

Từ nhỏ Gioan cảm thấy ao ước làm linh mục. Năm lên 10, Gioan Bosco mơ thấy mình đứng giữa bọn trẻ đang đánh nhau và chửi tục. Từ giấc chiêm bao đó, Bosco hiểu được sứ vụ giáo dục phục vụ thanh thiếu niên sau này. Thánh Gioan Bosco được Chúa chọn là “Người cha và thầy” của giới trẻ trong Giáo Hội. Ngài nói: “Tôi đã hứa với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng vẫn dành cho giới trẻ nghèo khổ.” Chính tình yêu như một người cha đối với giới trẻ đã thúc đẩy ngài xác quyết: “Tất cả cuộc đời cha dành cho các con.” Sự sẵn sàng này đã bắt nguồn từ tình thương phụ tử của Thiên Chúa. Ngài nói: “Giáo dục là việc của con tim; chỉ vì Thiên Chúa là Thầy duy nhất, chúng ta sẽ không bao giờ thành công, nếu như Người không ban cho chúng ta chìa khóa.”

Thánh nhân dùng phương pháp giáo dục phòng ngừa nhắm vào sự tự do của cá nhân. Thanh thiếu niên tránh được những nguy hiểm rình rập và được hưởng một nền giáo dục chân tình. Thánh Dominico Savio, vị thánh trẻ này nói với một người bạn về Nguyện Xá Valdocco: “Nơi đây, sự thánh thiện nằm trong sự vui tươi và chu toàn bổn phận cách tuyệt hảo.

Khi còn sống, cha Gioan không Iàm phép lạ. Nhưng được cứu thoát cách lạ lùng. Như một hôm cha bị 4 gã thanh niên đến hành hung, tấn công. Bỗng có con chó xuất hiện cứu thoát, rồi chó dẫn cha về. Dọc đường chó biến mất. Sau này chó xuất hiện khi cha gặp nạn. Hình con chó và cha được trưng bày trong khu nhà cũ của cha.

Trong số các đức tính đặc biệt của Gioan Bosco, người ta không quên đức vâng lời Giáo hoàng của ngài, chỉ sau Đức Mẹ và Phép Thánh Thể, ngài có một tình yêu không bờ, một tình phụ tử cha con với Đức Giáo Hoàng. Ngài hứa: “Các tu sĩ Dòng Salê có một mục đích đặc biệt là nâng đỡ giáo hoàng, ở bất cứ nơi đâu họ ở, ở bất cứ công việc nào họ làm”. Tuy nhiên, không có chuyện họ ở chức vị cao.

3. Cầu nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã cho xuất hiện trong Hội Thánh một người Cha và một bậc thầy của giới thanh thiếu niên là thánh linh mục Gioan Bosco. Xin Chúa cũng đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, để chúng con biết phụng sự một mình Chúa và lo cho anh em được cứu rỗi. Chúng con nguyện xin nhờ Chúa Giêsu, Con Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

Lời kinh cầu nguyện dịp 200 sinh nhật của thánh Gioan Bosco:
Lạy thánh Gioan Don Bosco, là người cha, thầy, bạn tuyệt vời của bạn trẻ. Xin cho chúng con biết noi gương Ngài cả đời đem hết tâm huyết nhiệt tình lo cho thanh thiếu niên, giáo dục bằng tình yêu và gương sáng, để giúp các em về và ở lại với Chúa mãi mãi. Amen.

4. Thực hành
Sau đây là những lời khuyên của thánh Gioan Bosco về đời sống Kitô:

– Khi anh chị em gặp những gai nhọn, hãy bỏ chung với mạo gai của Chúa Giêsu. Những gai nhọn này gây đau đớn cho ta trong thời gian những sẽ trở thánh những bông hoa vĩnh cứu.
– Hãy làm việc đến ngày cuối cùng cuộc đời để làm việc tốt bao nhiêu có thể.
– Hãy đi bộ trên đất và hướng trái tim lên trời.
– Niềm vui, cầu nguyện và Rước Lễ là những nâng đỡ cho ta.
– Tất cả là tình thương và không có gì là cưỡng bức
– Trong người nghèo khổ, người bị bỏ rơi, có sự hiện diện của Chúa Cứu Thế. Vì vậy, không phải là những đứa trẻ nghèo khổ xin bố thí nhưng chính là Chúa Giêsu trong những người nghèo khổ.
– Đôi tay của những người nghèo khổ dẫn đưa những người làm bác ái lên Thiên đàng.
– Anh em chỉ có một linh hồn, nếu được cứu rỗi thì tất cả được cứu rỗi: nếu linh hồn bị mất đi thì tất cả đều mất.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP