SỐNG SỨ ĐIỆP LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

A – Ăn năn đền tội và cầu khẩn ơn Thương Xót.
Chúa Giêsu muốn mọi người ăn năn đền tội và xin Người đổ tràn Lòng Thương Xót trên chúng ta và trên toàn thế giới. Chúa Giêsu nói với thánh Faustina: “Con ơi, hãy nhìn vào hố thẳm của Lòng Thương Xót Ta và chúc tụng ngợi khen Lòng Thương Xót này của Ta. Hãy làm thế này: Tụ họp tất cả những người tội lỗi trên toàn thế giới và nhận chìm họ vào trong hố thẳm của Lòng Thương Xót Ta. Ta muốn hiến thân cho các linh hồn; con ơi, Ta khao khát các linh hồn. Trong ngày Đại Lễ của Ta, Ngày Đại Lễ Thương Xót, con sẽ đi khắp thế giới và đem các linh hồn yếu ớt đến Suối Thương Xót của Ta. Ta sẽ chữa lành và thêm sức cho chúng” (NK 206). “Con ơi, hãy viết những điều này. Nói cho thế gian về Lòng Thương Xót của Ta; hãy làm cho cả nhân loại nhận ra Lòng Thương Xót vô biên của Ta. Nó là dấu hiệu của những ngày sau hết; sau đó ngày Công Lý sẽ đến. Trong khi còn thì giờ, hãy làm cho nhân loại trông cậy vào nguồn xót thương của Ta; cho họ được hưởng lợi ích từ máu và nước đã vọt ra cho họ” (NK 229-230).

B – Biết thương xót người.
Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận lãnh sự thương xót của Ngài và trao ban nó đến người khác. Thương xót người khác tốt nhất là truyền bá và tôn vinh việc sùng kinh Lòng Thương Xót bằng lời nói, tôn sùng Thánh Thể, bảo vệ sự sống, và thực thi các việc thương xót: “Những công việc thương xót phải thực hành vì yêu Ta. Con phải tỏ Lòng Thương Xót tha nhân mọi nơi và mọi lúc. Con không được chùn bước hay từ khước làm điều này.” (NK 742). Chúa Giêsu đã hứa: “Ta sẽ che chở những linh hồn truyền bá và tôn vinh Lòng Thương Xót Ta cả đời như mẹ hiền che chở con thơ, và trong giờ chết Ta sẽ không là Quan Án của họ, mà là Đấng Cứu Độ đầy Thương Xót” (NK 1075).

C – Cậy trông và tín thác hoàn toàn vào Chúa Giêsu.
1. Tín thác: Tín thác bao hàm việc sám hối và thay đổi đời sống, yêu mến và thực thi thánh ý Chúa, tha thứ cho những người làm hại ta. Sống tín thác đòi chúng ta sống khiêm nhường vì tất cả đều là hồng ân của Chúa, chứ không phải là do sức mình làm ra. Thánh Phêrô nhắc nhở: “Tất cả anh em hãy mặc lấy sự khiêm nhường đối với nhau vì Thiên Chúa chống người kiêu ngạo, và ban ơn sủng cho người khiêm nhường” (1 Pr 5:5). “Lời kinh của một linh hồn khiêm nhượng và yêu mến, làm giãn được cơn nghĩa nộ của Chúa Cha và kéo xuống cả một đại dương ân phúc” (NK 320). Khi chúng ta hoàn toàn tín thác vào Chúa, chúng ta sẽ không còn lo lắng, hoang mang, lo sợ, và thất vọng: “Vì vậy, đừng lo lắng, mà nói rằng ‘Chúng tôi sẽ ăn gì?’ hay ‘Chúng tôi sẽ uống gì?’ hoặc ‘Chúng tôi sẽ mặc gì?’ vì dân ngoại tìm kiếm những sự đó, và Cha chúng ta ở trên trời biết các con cần gì. Nhưng hãy tìm nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước, và các con cũng sẽ có những điều đó” (Mt 6:31-33).

2. Thánh Giá: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta vác thập giá mà theo Người. Chính Người dùng những thử thách đang chịu để kéo chúng ta đến gần Người. Người nói với Chị Faustina: “Các linh hồn chỉ được mua bằng một giá, đó là sự đau khổ hợp làm một với sự đau khổ của Ta trên Thánh Giá. Tình yêu tinh tuyền hiểu những lời này, tình yêu xác thịt sẽ không bao giờ hiểu chúng” (NK 324). Qua những thử thách, chúng ta trưởng thánh trong đức tin, nhìn nhận mình sống vì Chúa, với Chúa và nhờ Chúa: “Thầy đã nói với các con rằng trong Thầy các con có bình an. Trong thế gian các con có đau khổ; nhưng hãy vui mừng lên. Thầy đã khắc phục thế gian” (Ga 16:33).

Chúa Giêsu muốn chúng ta biết rằng ân sủng của Lòng Thương Xót tùy thuộc vào lòng tín thác của chúng ta. Càng tín thác nhiều, chúng ta càng nhận được nhiều ân sủng. Chúa nhấn mạnh, “Các ơn của Lòng Thương Xót của Ta chỉ được lãnh nhận bằng một phương cách mà thôi, đó là tín thác. Linh hồn nào tín thác nhiều sẽ nhận được nhiều” (NK 1578).

3. Thánh Tâm: Khi hiện ra với Thánh Faustina, Chúa Giêsu cho Chị thấy hai luồng ánh sáng phát ra từ vết thương ở trái tim Người. Chúa Giêsu giải thích, “Luồng trắng tượng trưng cho Nước làm cho linh hồn nên công chính. Luồng đỏ tượng trưng cho Máu là sức sống của linh hồn… Hai luồng sáng này chiếu ra tận đáy của Lòng Thương Xót dịu hiền của Ta khi Trái Tim đang hấp hối của Ta được mở ra bởi lưỡi đòng trên Thánh Giá” (NK 299). Hai luồng sáng này biểu thị các Bí Tích Thương Xót: Thánh Thể và Hòa Giải. Qua Bí Tích Thánh Thể (Máu Thánh) mà chúng ta nhận lãnh lương thực, và qua Bí Tích Hòa Giải (Nước) mà linh hồn chúng ta được rửa sạch. Chúa Giêsu nói: “Phúc thay cho ai ẩn náu dưới sự che chở của hai luồng sáng này, vì tay công thẳng của Thiên Chúa không đụng đến người ấy” (NK 299). Qua Bí Tích Hòa Giải chúng ta giao hòa cùng Thiên Chúa và anh em. Qua Bí Tích Thánh Thể, chúng ta kết hợp với Chúa mỗi ngày và kết hợp với anh chị em là những phần tử của Nhiệm Thể Chúa, chia sẻ với họ tình yêu và đời sống chúng ta. Như vậy, chúng ta thật sự yêu tha nhân vì yêu Chúa. “Phúc cho những ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5:7).

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP, hướng dẫn