Giáo Hội Công Giáo Và Văn Hóa Xã Hội

Vào ngày 22/01 ông Andrew Cuomo, Thống đốc bang New York đã công bố Luật mới Sức khỏe Sinh sản của Bang cho phép phá thai sau 24 tuần của thai kỳ và được phép loại bỏ bào thai ngay cả đến tháng thứ 9 trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Các phe nhóm và các hiệp hội Công giáo chống đối lại Luật. Các phong trào ủng hộ sự sống kêu gọi ra vạ tuyệt thông Thống đốc.

Trong cùng ngày, một số tri thức, giáo sư và chuyên gia về sự sống đã kêu gọi ra vạ tuyệt thông Thống đốc; người đã ký luật này và tuyên bố “một sự tiến bộ” mở rộng toàn quốc. Đức cha Edward B. Scharfenberger, Giám mục Albany, New York đã mô tả đây là một “tai tiếng” và trong một lá thư trong những ngày trước đây gửi cho ông Cuomo, ĐC khiển trách Thống đốc và việc ủng hộ của ông về “Luật phá hoại đó” không tương hợp với đức tin Công giáo mà ông đã tuyên xưng. Đức cha cho biết “Mục đích của vạ tuyệt thông là để đưa con người trở lại thực hành đức tin tràn đầy. Do đó không được nghĩ rằng đầy là điều để thỏa mãn mong muốn nhìn thấy một số hình phạt. Vạ tuyệt thông là một biện phát rất nghiêm trọng, nhưng nó không muốn là sự trừng phát hay trả thù, mà là sửa chữa và xây dựng”

1. Giáo hội và văn hóa
Kể từ Công đồng Vaticanô II (1962-1965), từ “văn hoá” được nhiều lần nhắc đến trong các văn kiện quan trọng của Giáo Hội Công Giáo vì văn hoá bao gồm các sinh hoạt con người. Vì thế, chúng ta cần tìm hiểu văn hoá là gì?

Theo định nghĩa, văn hoá là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Ví dụ: kho tàng văn hoá dân tộc.

Công đồng Vaticanô II đã xác định văn hoá gắn kết chặt chẽ với bản tính con người:

Bằng việc rao giảng Phúc Âm, Giáo Hội sửa soạn cho người nghe đón nhận và tuyên xưng đức tin, và chuẩn bị cho họ lãnh phép Thánh Tẩy, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, tháp nhập họ vào thân thể Chúa Kitô, hầu nhờ đức ái, họ tăng triển mãi trong Người cho đến khi đạt tới viên mãn. Thực ra, những gì thiện hảo trong tâm hồn và tư tưởng của loài người, hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Giáo Hội không nhằm tiêu diệt chúng, nhưng lành mạnh hóa, nâng cao và hoàn thành chúng, hầu làm vinh danh Thiên Chúa, đánh bại ma quỉ và mưu cầu hạnh phúc cho con người. (Vui mừng và Hy vọng số 17).

Như vậy, nội dung của văn hoá bao gồm tất cả những gì con người có thể sử dụng để trau giồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; để tìm cách chế ngự cả trái đất bằng tri thức và lao động; để làm cho đời sống xã hội, trong đời sống gia đình cũng như trong cộng đồng chính trị, trở thành nhân bản hơn, nhờ vào sự tiến bộ trong các tập tục và định chế.”

2. Hội nhập văn hóa
Giáo hội phải hội nhập vào văn hóa như thế nào? Hội nhập văn hóa là một từ ngữ mới được hình thành trong Giáo hội công giáo và được nêu lên trong các văn kiện quan trọng của Giáo hội như Vui mừng và Hy vọng – Gaudium et Spes (17), Tông huấn Loan báo Tin mừng (20); Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế (52). Trong tông huấn Giáo hội tại châu Á, ĐGH nhắc lại từ này nhiều lần.

Hội nhập văn hóa là gì? Hội nhập văn hóa như thế nào?
Hội nhập là hòa mình vào trong một cộng đồng lớn (quan hệ giữa một quốc gia với các quốc gia hoặc với quốc tế). Thí dụ : Việt Nam hội nhập vào ASEAN. Hội nhập văn hóa là hòa mình vào trong nền văn hóa, hay đúng hơn là chấp nhận một hệ thống giá trị mới. Chủ thể hội nhập ở đây được xác định là một tập thể (cộng đồng Giáo hội) tiếp nhận một phần hay toàn bộ hệ thống giá trị đã có sẵn của một dân tộc nào đó. Trong quá khứ, các vị thừa sai nước ngoài khi đến Việt Nam giảng đạo đã học tiếng nói của người Việt, ăn mặc như người Việt, trình bày giáo lý theo cách hiểu của người Việt. Như thế là họ hội nhập vào nền văn hóa Việt Nam. Khi sống ở Việt Nam, họ đã tự do chọn lựa các giá trị tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam để làm giàu cho các giá trị có sẵn của mình, chứ không đánh mất nền văn hóa của mình để trở thành một người hoàn toàn theo nền văn hóa Việt Nam. ĐHY Ratzinger đề nghị “chúng ta không nên nói hội nhập văn hóa, mà phải nói là sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa, hay có thể nói là tính giao thoa văn hóa – Inter-culturality” (Joseph Ratzinger, Niềm tin vào Đức Kitô trước sự thách đố của nền văn hóa, 5/3/1993)

ĐGH Gioan Phaolô II : “Đứng trước những nền văn hóa khác nhau và đôi khi tương phản nhau tại nhiều nơi trên thế giới, Hội nhập văn hóa là tìm vâng phục lệnh truyền của Chúa Kitô, đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, đến tận cùng trái đất. Việc vâng phục này không có nghĩa là hòa đồng cũng không phải thích ứng đơn thuần của việc loan báo Tin Mừng vào nền văn hóa, nhưng là làm cho Tin Mừng tháp nhập vào chính sự sống của các nền văn hóa, nhập thể trong văn hóa và tìm cách vượt qua những yếu tố văn hóa không phù hợp với mầu nhiệm của Chúa Kitô.” (Pastores dabo vobis 55). Trong Huấn thị “Đi tìm đường hướng mục vụ cho văn hóa, ĐGH Gioan Phaolô II viết về việc Phúc âm hóa nền văn hóa, rửa tội cho nền văn hóa: “Khi quảng bá Tin Mừng, Giáo hội cũng tố giác tội lỗi trong các nền văn hóa và giải thoát các nền văn hóa khỏi tội lỗi. Giáo hội vạch mặt các phản giá trị và trừ tà cho chúng. Như vậy Giáo hội cung cấp yếu tố phê phán cho các nền văn hóa, như phê phán việc tôn thờ ngẫu thần, nói khác là phê phán các giá trị đã được dựng nên như các ngẫu thần hoặc các giá trị gọi là văn hóa coi như tuyệt đối” (Huấn thị “Đi tìm đường hướng mục vụ cho văn hóa, số 5). Biến đổi nền văn hóa bằng các giá trị Tin mừng dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 61).

Trong Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á công bố năm 1999, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gián tiếp nhắc đến các yếu tố cơ bản về văn hoá để chúng ta nhận thức được nội dung lớn lao của văn hoá. Ngài xác nhận: “Châu Á có nhiều nền văn hoá”, được hiểu là những hệ thống giá trị. Ngài nhắc nhở: “Văn hoá là kết quả xuất phát từ cuộc sống và sinh hoạt của một tập thể nhân loại, thì đối lại những con người thuộc tập thể này lại được khuôn đúc trong một phạm vi rộng bởi chính nền văn hoá mà họ đang sinh sống. Nếu con người và xã hội thay đổi, văn hoá cũng sẽ thay đổi theo. Ngược lại, nếu văn hoá đổi thay thì con người và xã hội cũng được văn hoá ấy biến đổi theo”[ x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 21].

3. Nền nhân bản Kitô
Trong lịch sử nhân loại, ta đã biết đến nhiều nền văn hoá khác nhau như văn hoá bái vật hoặc bái thần, văn hoá duy vật hoặc duy tâm, văn hoá hữu thần hay vô thần, văn hoá duy thực hoặc duy nghiệm, văn hoá xã hội chủ nghĩa hoặc cá nhân chủ nghĩa, văn hoá sự sống hoặc sự chết…

Giáo Hội Công Giáo luôn cổ vũ nền văn hoá nhân bản. Đây là một hệ thống giá trị bao gồm các suy tư và hành động, lấy con người làm gốc, làm nền tảng, thay vì lấy vật chất hay thần linh. Văn hóa nhân bản giúp ta có những nhận thức đúng đắn về con người, vạn vật và Thiên Chúa, đề cao thái độ và hành động vì ích lợi chung.

Từ Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội Công Giáo đã bắt đầu giới thiệu một nền nhân bản dựa vào Chúa Kitô để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và mời gọi mọi người cùng tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại (GS 10). Giáo Hội Công Giáo cũng xác định rằng con người là con đường của Giáo Hội (x. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo, xuất bản năm 2007, số 62) và cũng là con đường của Thiên Chúa, vì “Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người” trở thành Đức Giêsu Kitô (x. Ga 1,14). Chúa Giêsu Kitô sống với con người để làm cho tất cả những giá trị của con người thành cao cả vô biên vì “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ nơi Đức Giêsu Kitô” (LG 22).

Nền nhân bản này nhằm mục tiêu đổi mới và xây dựng mỗi tín hữu thành hiện thân sống động của Chúa Giêsu Kitô. Người là con người mới, con người hoàn hảo, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15), là Adam mới (x. Rm 5,14) vì nhờ Người mà “bản tính nhân loại của chúng ta đã được nâng lên một phẩm giá siêu việt qua mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Người” [GS 22].
Nhờ kết hợp với Đức Kitô, người tín hữu sẽ nhận được “những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần” (Rm 8,23), để trở thành con người mới có khả năng chu toàn luật yêu thương mới (x. Mt 22,40; Ga 15,12; Rm 8,1-11), xây dựng được nền văn minh tình yêu [X. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo số 575-580] cho cộng đồng nhân loại vì Đức Giêsu Kitô là nguyên mẫu và là nền tảng của nhân loại mới này [x. Sách Tóm lược HTXHCG số 431]

4. Mục đích của văn hóa nhân bản toàn diện
Nền văn hoá nhân bản toàn diện bao gồm mọi lĩnh vực của con người như thể chất và tinh thần, nội tâm và ngoại giới, tự nhiên và siêu nhiên, cá nhân và tập thể. Công đồng Vaticanô II đã lưu tâm đến thân phận con người trong thế giới ngày nay, đến phẩm giá cao cả, đến cộng đồng nhân loại và sinh hoạt của con người trong thế giới và vũ trụ. Công đồng cũng lưu ý đến một số vấn đề khẩn thiết như hôn nhân và gia đình, giáo dục và văn hoá, kinh tế và chính trị, chiến tranh và hoà bình, đối thoại liên tôn và các phương tiện truyền thông xã hội.

Sau đây, xin tóm tắt mấy lĩnh vực chính yếu về nền văn hóa nhân bản toàn diện:
Con người toàn diện có 4 mối quan hệ căn bản: 1/ Tương quan với Thiên Chúa: con người giữ tinh thần thảo hiếu với Thiên Chúa vì Ngài là nguồn của mọi hiện hữu, của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên. (x. Gaudium et Spes, số 12; Sách Tóm lược HTXHCG, số 13018). Từ cội nguồn Thiên Chúa, con người sẽ giữ tinh thần thảo hiếu này đối với cha mẹ, thầy dạy, ông bà, tổ tiên, là những người thay mặt Chúa chuyển thông sự sống, sự thật, tình yêu và ân phúc cho ta. 2/ Tương quan với quốc gia và dân tộc: người tín hữu được đào tạo để hiểu biết về tinh thần ái quốc và văn hoá dân tộc, biết bảo vệ tổ quốc và biết đưa Tin Mừng hội nhập vào nền văn hoá dân tộc. 3/ Tương quan với mọi người sống trên trái đất và cả trong vũ trụ: con người đối xử với nhau như anh em trong cùng một đại gia đình, không kỳ thị vì bất cứ khác biệt nào. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Ngài sáng tạo con người có nam, có nữ (x. St 1,27). Sự liên kết giữa hai người nam nữ tạo nên một cộng đồng đầu tiên giữa người với người. Từ bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có tính xã hội và nếu không liên lạc với những người khác, con người không thể phát triển và hoàn thiện chính mình. 4/ Trong tương quan với chính mình: con người giữ tinh thần tự chủ. Tinh thần này nhắc nhở mọi người cố gắng làm chủ bản thân, tình cảm, thời giờ, tài năng, ân huệ và cả những tham vọng, dục vọng để trở thành một con người tự do thật sự trước mọi ràng buộc của cuộc sống. Làm chủ ân phúc Chúa ban qua đời sống kết hợp với Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ, các thần thánh bằng cầu nguyện, phụng tự và các bí tích. Tất cả là hồng ân để luôn sống trong tâm tình tạ ơn và không bỏ phí bất kỳ một ơn nào, làm sáng danh Chúa và mang lại hạnh phúc cho con ngườ (GS 15).

Khả năng tự chủ này được đào luyện mỗi ngày qua một số kỹ năng sống sau đây: – Làm chủ cá tính với những đặc tính như cảm tính, hoạt tính, sơ tính hay thứ tính, những nhu cầu, xu hướng, năng khiếu để hiểu rõ con người mình có khả năng, ưu điểm, khuyết điểm nào. – Làm chủ các tài năng tinh thần như trí hiểu, trí nhớ, trí tưởng tượng, ý chí qua việc tích cực học hành, nâng cao trình độ văn hoá, nghề nghiệp, đào tạo năng khiếu chuyên môn để trở thành những người có khả năng sống tự lập, làm sáng danh Chúa và mang lại hạnh phúc cho con người.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP