Tình hình Giáo Hội Công Giáo Thế Giới

1. Thống kê:
Theo thống Kê Tòa Thánh Về Giáo Hội Công Giáo Thế Giới đầu năm 2019: Trong tổng dân số thế giới là 7 tỷ 408 triệu người, dân số Công giáo tăng gấp đôi từ 653 lên 1 tỷ 313 triệu, chiếm 18 % dân số thế giới. Phân chia theo từng châu lục: Mỹ Châu 48.5%, Âu Châu 21.8%, Phi Châu 17.8%, Á Châu 11,1% và Đại Dương Châu 0.8%.

Về mặt tỷ lệ so với tổng dân số, Công Giáo tại Mỹ Châu chiếm 63.8%, Âu Châu 39.7%, Phi Châu 19.2%, Á Châu chỉ có 3.3%. Điều đáng lưu ý là càng về phía Nam, người Công Giáo tại Mỹ Châu càng chiếm tỷ lệ cao hơn. Tỷ lệ người Công Giáo ở Bắc Mỹ chỉ có 24.7%, ở Trung Mỹ và vùng Antilles là 84.6% và ở Nam Mỹ là 86.6%.

So sánh với dân số thế giới, số người Công Giáo trên thế giới đã tăng 1.1% trên toàn cầu. Dân số Công giáo tăng theo theo lục địa, Phi Châu tăng 2.5%, Á Châu 1.5%, Mỹ Châu 0.96%, tức là dưới mức tăng trưởng trung bình của dân số Công Giáo. Âu Châu có tăng trưởng với 0.1%.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong Tông đồ (CARA) từ năm 1970 đến 2017, linh mục giảm 5,146. Linh mục giáo phận tăng 10,886. Linh mục Dòng giảm 16.032. Thụ phong linh mục giáo phận tăng 5.815. Chủng sinh tăng 32.324. Phó tế vĩnh viên tăng 46.585. Nữ tu giảm 355.394. Nam tu giảm 27.870. Giáo xứ tăng 31.731. Giáo xứ không có linh mục thường trú tăng 7.616. Giáo xứ được trao cho phó tế hoặc giáo dân phụ trách tằng 2,220.

2. Thách đố:
1. Hiện tượng rời bỏ Giáo Hội: Các vị lãnh đạo Công Giáo và Tin Lành ở Đức bày tỏ đau buồn và quan tâm vì sự kiện trong năm ngoái, 2018, có tới 430 ngàn tín hữu Kitô làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội: 216 ngàn tín hữu Công Giáo và 220 ngàn tín hữu Tin Lành, một con số rất cao: Đối với Công Giáo, con số mất mát này tăng 29% so với năm 2017 trước đó. Các GM nhận xét rằng cuộc khủng hoảng của các Giáo Hội Kitô trên thế giới không phải là khủng hoảng cơ cấu, nhưng là khủng hoảng Đức tin. Đức tin của tín đồ không còn nữa, thì họ không thấy tại sao phải tiếp tục là thành phần của Giáo Hội để phải đóng thuế hằng năm cho Giáo Hội số tiền tương đương với 9% số thuế lợi tức đóng cho Nhà Nước tại Đức.

2. Hiện tượng bất đồng với chính kiến của Giáo hội: Nhìn rộng hơn, cuộc khủng hoảng và sa sút của Giáo Hội tại Đức không phải là điều duy nhất. Hòa Lan và Bỉ đã đi trước nước Đức, và ngay cả tại Italia, trong 7 năm qua, số người Công Giáo đóng góp cho Giáo Hội Công Giáo giảm mất 2 triệu người. Khi khai thuế lợi tức cho nhà nước Italia, họ không dành cho Giáo Hội Công Giáo số tiền 0,8% tiền thuế lợi tức đóng cho chính phủ nữa. Đó là một dấu hiệu tiêu cực mà chắc chắn các vị hữu trách của Giáo Hội phải quan tâm. Và sở dĩ người ta không biết bao nhiêu tín hữu Công Giáo ở Italia rời bỏ Giáo Hội, vì tại nước này không có chế độ làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội như ở Đức, hay Thụy Sĩ hoặc nước Áo.

Theo lời kể của các người trẻ “cựu” Công giáo, các nhà điều tra của CARA xác định 3 mẫu ly khai Giáo hội: người bị tổn thương, người bị cuốn trôi và người bất đồng chính kiến với Giáo hội. Họ muốn sống theo nếp sống luân lý tương đối, họ không muốn theo một giáo hội chặt chẽ và khuôn khổ, họ không muốn bị phê phán bởi giáo hội hoặc xã hội.

3. Hiện tượng người trẻ “không tôn giáo”: Nhiều người trẻ “cựu” Công giáo được phỏng vấn hiện nay xếp họ vào loại “không theo tôn giáo nào” hay không có liên kết tôn giáo. 35% nói rằng họ không còn có liên lạc tôn giáo và chỉ 14% xếp họ vào loại “vô thần” hay “bất khả tri”. Kết quả này phù hợp với kết quả điều tra của trung tâm Pew, theo đó loại “không theo tôn giáo nào” đang gia tăng tại Hoa kỳ. Thêm vào đó, 21% người trẻ “cựu” Công giáo trả lời rằng họ hiện đang được “sinh lại” hay đang là tín hữu Tin lành.

4, Những hiện tượng cần quan tâm: 1. Người công giáo sống độc lập tăng từ 54.1m lên 76.3m; 2. Người Công giáo không còn xem mình là Công giáo nữa: từ 3.5m tăng lên 26.1m; 3. Rửa tội trẻ em giảm từ 1,089 m xuống 615,119: 4. Hôn phối giảm từ 426,309 xuống 143,082 (33%); 5. Con số tín hữu tham gia trong Giáo hội từ 45,8% xuống 32,2%; 6. Con số tín hữu tham dự thánh lễ Chúa nhật từ 54,0% xuống 21,1 %; 7. Con số tín hữu tham dự thánh lễ một tháng một lần giảm từ 71,3 % xuống 45,3%;

3. Hy vọng:
1. Hy vọng nơi những linh mục âm thầm dấn thân Ngày 4.8.2019, ĐTC Phanxicô gửi thư cám ơn các linh mục nhân kỷ niệm 160 năm Thánh Gioan Vianney qua đời: “Tôi hướng tới từng người trong anh em, là những người trong biết bao nhiêu dịp, một cách không ai trông thấy, hy sinh trong lao nhọc, bệnh tật và đau buồn, đảm trách sứ mệnh như một việc phục vụ Thiên Chúa và dân Ngài. Và mặc dù với tất cả mọi khó khăn trên đường anh em đang viết lên những trang đẹp nhất trong cuộc đời linh mục”. “Trong những lúc khó khăn, mỏng giòn, mềm yếu, khi cám dỗ tồi tệ nhất trong các chước cám dỗ là ngồi đó mà nhai lại sự sầu não, thật là định đoạt không mất đi ký ức tràn đầy lòng biết ơn đối với biến cố Chúa đi qua đời ta và đã mời gọi chúng ta dấn thân cho Ngài và cho dân Ngài”.

2. Hy vọng nơi những người tận hiến trong Dòng tu “Đời sống thánh hiến là hồng ân cho Giáo hội, phát sinh trong Giáo hội, tăng trưởng trong Giáo hội, và hoàn toàn hướng về Giáo hội” . Vì thế, xét như là hồng ân cho Giáo hội, đời sống thánh hiến không phải là một thực thể lẻ loi, nhưng thuộc về bản chất của Giáo hội, nằm trong tâm điểm của Giáo hội như là yếu tố quyết định của sứ mạng Giáo hội, xét vì nó diễn tả bản chất thâm sâu của ơn gọi Kitô giáo, và nỗi khắc khoải của Giáo hội Hôn thê mong được kết hiệp với Hôn phu duy nhất; vì thế đời sống thánh hiến “chắc chắn thuộc về sự sống và sự thánh thiện của Giáo hội” (LG 44). (Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến ngày 24.11.2014)

3. Hy vọng nơi Giới trẻ Trong dịp gặp 250 ngàn bạn trẻ tại Panama vào đầu năm 2019, ĐTC Phanxicô nhắc các bạn trẻ rằng dù có nhiều khác biệt giữa các bạn trẻ nhưng không có gì ngăn cản họ gặp gỡ và hiệp nhất với nhau. Chính tình yêu Thiên Chúa đã thúc đẩy và nối kết họ với nhau. Ngài mời gọi họ yêu thương nhau để thực hiện giấc mơ yêu thương của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hiến mạng sống để thực hiện. Hôm nay, cha vui mừng nói với các con: Phêrô hiện diện với các con để cử hành và canh tân đức tin và niềm hy vọng. Thánh Phêrô và Giáo hội đồng hành với các con và muốn nói với các con đừng sợ, hãy tiến bước với sức lực được canh tân và ước muốn kiên trì để làm chứng nhân cho Tin mừng (27.1.2019).

4. Hy vọng vào các phong trào Canh tân đặc sủng thánh linh công giáo Phong trào Canh tân đặc sủng thánh linh công giáo hiện hoạt động tại 238 quốc gia trên thế giới, và liên quan tới cuộc sống của 120 triệu thành viên. Trong các năm qua tại một số nước số thành viên giảm sút, trong khi tại nhiều nước khác lại có thêm rất nhiều người gia nhập. Ngoài ra còn các phong trào Hiệp thông và Giải phóng, Canh tân Dự tòng, Món qua Đức tin…hàng trăm phong trào và các cộng đoàn tín hữu Kitô đang canh tân và củng cố Giáo hội trong các hoạt động xã hội, chính trị, giáo dục, y tế, đối thoại liên tôn, truyền giáo và tái truyền giáo.

5. Hy vọng vào việc canh tân giáo triều Roma theo Tông hiến Predicate evangelicum -Rao giảng Tin mừng sắp được công bố: ĐTC đưa ra nhiều dự án đổi mới. Giáo triều sẽ không còn phân biệt các Bộ (Congregation) với Hội đồng Tòa Thánh (Council) nữa. Hiện nay Bộ là cơ quan có quyền tài phán, còn Hội đồng chỉ có tính chất tư vấn. Nhưng trong Tông hiến mới, tất cả các cơ quan này đều bình đẳng. Đứng đầu là Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, sau đó sẽ là Bộ Loan báo Tin Mừng, một cơ quan bao gồm Bộ Truyền giáo và Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng. Trung ương sẽ trao quyền cho địa phương. Giáo triều cộng tác chặt chẽ với các Hội đồng Giám mục và Giám mục.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP