Giáo huấn Hội thánh Công giáo về phái tính

1. Giáo lý căn bản về phái tính:
1. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, giống như Thiên Chúa. Chúa sáng tạo con người có nam có nữ: Chúa chúc phúc cho họ và đặt tên cho họ và gọi họ là “người”, ngày họ được sáng tạo (St 5,1-2) (GLHTCG số 2331).

2. Phái tính ảnh hưởng trên toàn bộ con người, cả xác và hồn. Phái tính đặc biệt liên quan đến đời sống tình cảm, khả năng yêu thương và truyền sinh, nói chung mọi tương quan với người khác. (GLHTCG số 2332).

3. Mỗi người, nam cũng như nữ, phải nhìn nhận và chấp nhận phái tính của mình. Sự khác biệt và bổ sung cho nhau về thể xác, tinh thần và tâm linh hướng đến đời sống hôn nhân và gia đình. Sự hòa hợp của đôi vợ chồng và của xã hội tùy thuộc phần nào vào việc hai bên nam nữ bổ túc, đáp ứng và nâng đỡ lẫn nhau. (GLHTCG số 2333).

4. “Khi tạo dựng con người có nam có nữ, Thiên Chúa cho họ bình đẳng về nhân phẩm” (x. FC 22, x. GS 49,2). “Con người là một nhân vị, vì thế người nam và người nữ bình đẳng với nhau, cả hai được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa” (x. MD 6). (GLHTCG số 2334).

2. Giải thích sai lầm về phái tính
Đức Tổng Giám mục Charles J. Chaput, O.F.M. (Dòng Phanxicô) đăng tải chia sẻ thông tin ngày 19 tháng 9 năm 2019 trên mạng của tổng giáo phận Philadelphia về vấn đề phái tính như sau: Cha James Martin, S.J. (Dòng Tên) là mục tiêu của các cuộc tấn công cay đắng. Như tôi đã nói trước đây, các cuộc tấn công như vậy là không thể tha thứ được và không phải là phong cách Kitô giáo. Cha đã tận tâm tìm cách đồng hành và hỗ trợ những người có hấp dẫn đồng phái tính (same sex) và đối kháng phái tính (gender dysphoria). Nhiều nỗ lực của cha đáng được ca ngợi và chúng tôi cần tham gia cùng cha ấy để nhấn mạnh phẩm giá của những người trong những tình huống như vậy. Do sự nhầm lẫn gây ra bởi các tuyên bố và hoạt động của cha liên quan đến những vấn đề của nhóm LGBT (đồng tính và chuyển tính), tôi thấy cần phải nhấn mạnh rằng cha Martin không nói với quyền bính nhân danh Giáo hội và tôi cần cảnh báo tín hữu về vài tuyên bố của cha.

1. Cha Martin gợi ý rằng những người đồng tính và những người đối tính nên được dán nhãn theo sự hấp dẫn và sự đối kháng của họ. Cha kêu gọi sử dụng cụm từ LGBT – đồng tính và chuyển phái tính Công giáo, trong các tài liệu và ngôn ngữ Công Giáo. ĐTGM đáp lại: Giáo hội dậy rằng thân thể gắn liền với bản sắc con người, sự thèm muốn tình dục của chúng ta không định nghĩa chúng ta là ai. Điều này trái ngược với giáo huấn rõ ràng của Tin Mừng rằng bản sắc của chúng ta được tìm thấy trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa và chúng ta được kêu gọi trở thành con cái Thiên Chúa.

2. Cha Martin đã gợi ý rằng người ta sinh ra “gay” (đồng tính). Theo cha, người ta được sinh ra theo cách này…đó là [một] sự thật về tâm lý, tâm thần và sinh học. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng không có “gay gen”, và đồng tính là sản phẩm của nhiều yếu tố. ĐTGM đáp lại: Thật đúng là nhiều người có hấp dẫn đồng tính đã trải nghiệm điều đó bao lâu họ có thể nhớ, nhưng không có đồng thuận khoa học vững chắc nào về nguyên nhân. Hơn nữa, các khuynh hướng di truyền – ở mức độ chúng tồn tại – không nói gì về lợi ích hay tác hại đến những người có khuynh hướng này.

3. Cha Martin cho rằng giáo lý Công giáo về sự hấp dẫn đồng phái như “rối loạn khách quan” (GLHTCG số 2358) là tàn nhẫn và cần được sửa đổi. Cha nói rằng “một trong những phần sâu sắc nhất của một người – cho và nhận tình yêu – bị rối loạn là không nhất thiết gây tổn thương. ĐTGM đáp lại: Cha Martin đã diễn tả sai niềm tin Công Giáo. Các Giám mục Hoa Kỳ nhấn mạnh trong tài liệu năm 2006 (Ministry to Persons with a Homosexual Inclination: Guidelines for Pastoral Care – Dịch vụ cho Những người có Khuynh hướng Đồng tính: Hướng dẫn Chăm sóc Mục vụ) rằng: “Một điều rất quan trọng để hiểu khi nói rằng một người có thiên hướng đặc biệt là rối loạn không phải là nói rằng toàn bộ người đó bị rối loạn. Cũng không có nghĩa là người ta đã bị Thiên Chúa hoặc Giáo hội từ chối. Đôi khi, Giáo hội bị giải thích sai hoặc diễn giải sai khi dạy rằng những người có khuynh hướng đồng tính bị rối loạn khách quan, như thể mọi thứ về họ đều bị rối loạn hoặc bị khiếm khuyết về mặt đạo đức bởi khuynh hướng này. Thay vào đó, sự rối loạn nằm trong khuynh hướng đặc biệt đó, không được ra lệnh hướng tới việc hoàn thành các kết thúc tự nhiên của tình dục con người. Bởi vì điều này, hành động phù hợp với khuynh hướng như vậy đơn giản là không thể đóng góp cho lợi ích thực sự của con người. Tuy nhiên, trong khi khuynh hướng đặc biệt đối với các hành vi đồng tính bị rối loạn, thì người đó vẫn giữ được phẩm giá và giá trị con người nội tại của mình.”

4. Cha Martin hợp tác với các tổ chức như New Ways Ministry (Sứ vụ theo Phong cách mới) phản đối hoặc phớt lờ giáo huấn của Giáo hội. Cha còn tán thành các sự kiện, chẳng hạn như Pride Month (Tháng Hãnh diện), gây ra sự nhầm lẫn cho các tín hữu. ĐTGM đáp lại: chúng ta cần phải xác nhận lại, như Bộ Giáo lý Đức tin (CDF) đã nêu trong Thư năm 1986 gửi các Giám mục của Giáo Hội Công Giáo về Chăm sóc Mục vụ của Người đồng tính, rằng: “Các Giám mục không nên hỗ trợ bất kỳ tổ chức nào tìm cách làm suy yếu giáo huấn của Giáo hội, gây mơ hồ về điều đó hoặc bỏ bê hoàn toàn giáo huấn luân lý. Sự hỗ trợ như vậy, hoặc sự hỗ trợ giống như vậy, có thể bị hiểu sai một cách nghiêm trọng.”

5. Cha Martin hy vọng rằng những giảng dậy của Giáo hội về tính dục con người có thể được thay đổi. Tuy nhiên, cha Martin cùng nhìn nhận rằng, “với tư cách là một linh mục Công Giáo, tôi đã không bao giờ thách thức các giáo lý của [Giáo hội], cũng như tôi sẽ không” . ĐTGM nhận xét rằng: điều gì được ngụ ý hoặc bỏ qua thường nói to như những gì thực sự được nêu, và trong hoàn cảnh hiện tại, những sự thật không hoàn chỉnh thực sự là một thách thức đối với niềm tin Công Giáo trung thành.

3. Khiết tịnh trong đời sống Kitô
1. Cha Martin nói rằng “Giáo hội chào đón những người đồng phái tính”. Giáo hội phải bao gồm những người thuộc nhóm LGBT (đa dạng về phái tính) cũng như chào đón họ, mà không cần quan tâm đến đời sống Kitô đích thực của họ. ĐTGM trả lời rằng: Ai sống không đúng theo luân lý Kitô thì họ phải sửa đổi. Nếu không sửa đổi lối sống sai lầm thì họ có thể dễ dàng hiểu sai bản chất của hoán cải và làm môn đệ Chúa Kitô. Không thể là tín hữu đích thực của Chúa Kitô nếu không sống theo luân lý Kitô. Những tín hữu đồng tính Công giáo cần được hỗ trợ và khuyến khích về đức khiết tịnh. Trong Thư năm 1986, Bộ Giáo lý Đức tin đã cảnh báo các Giám mục rằng, “Bộ này mong muốn các Giám mục đặc biệt thận trọng với bất kỳ chương trình nào có thể tìm cách gây áp lực cho Giáo hội để thay đổi giáo huấn của mình, ngay cả khi tuyên bố không làm như vậy. Các Giám mục cần kiểm tra cẩn thận về các tuyên bố công khai của họ và các hoạt động mà họ quảng bá để đánh lừa các mục tử và tín hữu.”

2. Người nam và người nữ được mời gọi sống khiết tịnh về tình dục. Sống khiết tịnh là làm chủ phái tính, nhờ đó thống nhất được đời sống thể lý và tinh thần. Phái tính cho thấy con người thuộc về thế giới vật chất và sinh học, nhưng khi được hội nhập vào tương quan giữa người với người, trong đó người nam và người nữ hiến thân cho nhau trọn vẹn và vĩnh viễn, phái tính mới có giá trị thực sự nhân linh. Như vậy, đức khiết tịnh liên quan đến toàn thể nhân vị và đòi hiến thân trọn vẹn. (GLHTCG số 2337).

3. Ðức khiết tịnh đòi hỏi phải học biết tự chủ, để sống như một con người. Rõ ràng con người phải chọn lựa: hoặc chế ngự các đam mê và được bình an; hoặc làm nô lệ chúng và trở nên bất hạnh (Hc 1,22). “Phẩm giá con người đòi họ phải hành động theo một sự lựa chọn ý thức và tự do, được tác động và quyết định bởi một xác tín cá nhân chứ không phải chỉ dưới hiệu quả các thôi thúc của bản năng hoặc của một sự cưỡng chế bên ngoài. Con người đạt đến phẩm cách đó khi tự giải thoát khỏi mọi nô lệ của đam mê, nhờ tự do chọn lấy điều thiện, con người theo đuổi cùng đích của mình và khôn khéo thực sự tạo cho mình những phương tiện thích ứng” (x.GS 17). (GLHTCG số 2339).

4. Ai muốn trung thành với những lời hứa khi được rửa tội và chống lại các cơn cám dỗ, phải dùng những phương thế sau: phải hiểu biết chính mình, áp dụng khổ chế tùy theo hoàn cảnh, tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa, thực hành các nhân đức luân lý và chuyên cần cầu nguyện. Thánh Augustine nói: “Khiết tịnh giúp chúng ta tìm lại được sự thống nhất bản thân đã đánh mất khi để cho mình bị phân tán”.(T. Âu tinh, conf.10,29) (GLHTCG số 2340).

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP