Chứng nhân của Chúa Giêsu

Thánh Lu-ca là tác giả sách Tin Mừng và sách Tông Đồ Công Vụ. Trong sách Tin Mừng, thánh Luca ghi lại cách tuyệt vời về cuộc đời Chúa Giêsu và những người đã chứng kiến cuộc đời của Ngài. Đối với thánh Luca, Hội thánh là một cộng đoàn các chứng nhân. Trước tiên, các tông đồ được đặt làm những « chứng nhân của việc Chúa Giêsu phục sinh » (Cv 1,8.22; 4,33; 10,41; 13,31), vì thế với tư cách là những chứng nhân, các tông đồ “cần phải nhân danh Người rao giảng cho muôn dân sự thống hối và tha thứ” (Lc 24,47). Trong công cuộc rao giảng này, họ nhận được sự hỗ trợ của Chúa Thánh Linh (Cv 1,8; 5,32; 20,23), cũng như những dấu lạ mà Chúa thực hiện (Cv 14,3). Thánh Phaolô cũng nhận được sứ mạng tương tự từ Đức Kitô Phục sinh (Cv 9,15; 13,2) và có thể làm chứng nhân (Cv 22,15; 26,16).

1. Chúa Thánh Linh làm chứng về Chúa Giêsu
Trong bữa tiệc trước khi bị khổ hình, Chúa Giêsu nói với các tông đồ tại phòng Tiệc Ly về Chúa Thánh Linh: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu. (Jn 15:26-27). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã viết trong Thông Điệp Dominum et vivificantem (Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội và thế giới) “Trong bài giảng thứ nhất của thánh Phêrô ở Giêrusalem ‘việc làm chứng’ này rõ ràng ngay từ đầu: đó là Thánh Linh An Ủi và các tông đồ làm chứng về Chúa Kitô chịu đóng đinh thập giá và phục sinh” (số 30).

Trước khi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Linh ngự xuống trên anh em; và anh em sẽ làm chứng về Thầy ở Giêrusalem, khắp Giudea, Samaria và tới tận cùng trái đất” (Cv 1:8). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 viết trong cùng Thông Điệp “Dominum et vivificantem” (Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội và thế giới) : “Lời tiên báo này hoàn tất vào ngày Lễ Hiện Xuống. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Linh các tông đồ đã nhận được khi đang cầu nguyện trong phòng Tiệc Ly, Thánh Phêrô tiến ra tiếp xúc với những đoàn người nói nhiều ngôn ngữ khác nhau tụ họp mừng lễ. Ngài loan báo điều mà trước kia chắc chắn ngài đã không có can đảm nói ra” (số 30).

Vào ngày Lễ Hiện Xuống, Thánh Phêrô và các tông đồ khác đã nhận được Thánh Linh chân lý. Nhờ quyền năng Thánh Linh, các ngài có thể rao giảng y như cách thức của Chúa Kitô. Thánh Phêrô là chứng nhân đầu tiên đã công khai long trọng rao giảng về Chúa Kitô phục sinh.

2. Thánh Phêrô chứng nhân đầu tiên
Thánh Phêrô đã nói với những người đã chứng kiến hiện tượng truyền thông bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, và đã nghe bằng chính ngôn ngữ địa phương của họ lời các tông đồ nói về “những việc xảy ra do quyền năng Thiên Chúa” (tc. Cv 2:11). Trước tiên, Thánh Phêrô bênh vực và minh giải rằng những người “được tràn đầy Chúa Thánh Linh” (Cv 2:3) bị cho là say rượu vì hành vi khác thường của các ngài. Ngài nói: “Những người này không say rượu như các ông tưởng tượng đâu, vì chỉ mới giờ thứ ba (khoảng 9 giờ sáng) trong ngày: nhưng đây là điều đã được ngôn sứ Giôen tiên báo. Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ” (Cv 2:15-18).

Sau đó, Thánh Phêrô tóm gọn nội dung căn bản của “rao giảng Tin Mừng (kerygma) về Chúa Kitô là Chúa Cứu Thế, Đấng đã chiến thắng sự chết : “”Thưa đồng bào Ít-ra-en, xin nghe những lời sau đây. Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.” (Cv 2,22-24).

3. Chúa Thánh Linh tác động việc rao giảng
Những lời hùng hồn này cho thấy Chúa Thánh Linh tác động tâm hồn người rao giảng cũng như người nghe rao giảng. Thánh Phêrô làm chứng Chúa Kitô chịu khổ hình thập giá đã phục sinh. Ngài cũng giải thích những biến cố khác thường đã xảy ra ngày hôm đó. Đặc biệt, lời trình bày công khai về mầu nhiệm Vượt Qua đã đi vào tâm hồn khát vọng khi nghe Thánh Phêrô nói: “Chúa Giêsu mà các anh em đóng đinh thập giá đã được Thiên Chúa tôn phong làm Chúa và Đấng Kitô” (Cv 2:36). Ghi lại bài giảng đầu tiên của Thánh Phêrô ngày Lễ Hiện Xuống, thánh Luca viết: những người hiện diện xúc động thống hối, nên nói với ông Phêrô và các tông đồ khác: ‘Thưa quí huynh đệ, chúng tôi phải làm gì?’ (Cv 2:37). Khi đó chính Thánh Phêrô trả lời những người hiện diện. “Hãy ăn năn thống hối” Đó là lời đáp giản dị nhưng xúc tích (Cv 2:38). Thật vậy, Chúa Giêsu khởi đầu sứ mệnh thiên sai của Ngài bằng chính lời kêu gọi này (tc. Mc 1:15). Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Linh vào ngày Lễ Hiện Xuống mà Thánh Phêrô đã nhắc lại chính lời Chúa Giêsu: “Hãy ăn năn thống hối” (tc. Mc 1:15).

Trong Thông Điệp “Dominum et vivificantem” (Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội và thế giới), Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 nhấn mạnh “ăn năn thống hối” là bước quan trọng trong tiến trình cải đổi mà Chúa Thánh Linh hoạt động trong chúng ta. “Do việc trở nên ‘ánh sáng soi mọi con tim,’ tức là ánh sáng lương tâm, Chúa Thánh Linh ‘làm cho nhận biết tội lỗi,’ có nghĩa: Ngài làm cho người ta nhận ra điều xấu xa của chính họ, và đồng thời hướng dẫn người ta tới điều tốt lành. … Như thế, nhờ ảnh hưởng của Đấng An Ủi, việc cải đổi tâm hồn con người là điều kiện bất khả ly để ơn tha thứ tội lỗi được thể hiện” (số 42).

Tác giả sách Tông đồ Công vụ viết: “những người tiếp nhận lời ông (Phêrô) đều lãnh Phép Rửa, và ngày hôm đó có khoảng ba ngàn người được thêm vào số những người tin theo Chúa Kitô” (Cv 2:41) và trở thành con cái Thiên Chúa như Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Roma: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi! ” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14-16) Được rửa “bằng nước và Chúa Thánh Linh,” những người này trở nên cộng đồng “con cái được thừa nhận của Thiên Chúa” (tc. Rom 8:15). Là “con cái trong Chúa Con” (tc. Eph 1:5), những người này trở nên “một”, trong mối tình huynh đệ mới. Qua tác động của Chúa Thánh Linh, những người con cái Thiên Chúa trở nên Giáo Hội Chúa Kitô.

4. Cộng đoàn tín hữu đầu tiên
Các thành viên đầu tiên của Giáo Hội là người Do Thái xử dụng ngôn ngữ Aram. Họ vẫn tới đền thờ, giữ luật Maisen và sinh hoạt giống như một trong nhiều nhóm Do Thái khác. Tuy nhiên, họ đón tiếp mọi người và gọi nhau là anh chị em Tác giả của sách Công Vụ Tông Đồ cho ta biết: Sau khi đón nhận Tin Mừng, mỗi người đều hoán cải, lãnh phép rửa nhân danh Đức Giêsu (Cv 2,38), “họ huyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ (Cv 2, 42-47).

Trong cộng đoàn, họ chia sẻ với nhau về những kinh nghiệm sống động được gặp Chúa Kitô. Thánh Phêrô còn cho biết thêm bầu khí của cộng đoàn : “cùng nhau thông cảm, mặn nồng tình huynh đệ, đầy lòng xót thương và khiêm nhu” (1Pr 3,8). Kết quả là “số người được cứu rỗi mỗi ngày được ban thêm cho cộng đoàn” (Cv 2,47). Thánh Gioan tác giả Tin Mừng viết: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa,để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn (1Ga 3-4)

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP