Ấn Tín Bí Tích Giải Tội

1. Bí tích Giải tội
Giáo luật điều 959 nói đến ba tác động liên quan đến bí tích Giải tội: 1/ Tín hữu thú tội mình với một thừa tác viên hợp pháp; 2/Ăn năn về những tội ấy; 3/ Quyết tâm sửa mình. Qua sự xá giải của thừa tác viên ấy, hối nhân này được Thiên Chúa tha thứ những tội đã phạm sau khi lãnh bí tích Rửa Tội, và đồng thời họ được giao hòa với Giáo hội mà họ đã làm tổn thương khi phạm tội. Như vậy, Giáo hội không những thay mặt Chúa đứng ra làm trung gian hòa giải, nhưng còn tha thứ cho phần tử làm hoen ố sự thánh thiện của Giáo hội nữa. Bí tích Giải tội cũng được gọi bằng những danh xưng khác vì mỗi danh xưng diễn tả nét nổi bật của bí tích này: bí tích “Xưng tội’, bí tích “Thống hối” hay “bí tích Hòa giải”. Danh xưng “Thống hối” (Sám hối) nhấn mạnh đến tâm tình thống hối của con người nhận biết lỗi lầm của mình và muốn trở về với Thiên Chúa.

2. Ấn tích bí tích giải tội tuyệt đối bất khả xâm phạm
Giáo luật điều 983 qui định về ấn tín bí tích giải tội là điều không thể xâm phạm. Do đó: 1/ Tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội tiết lộ về hối nhân bằng bằng lời nói hay bằng cách khác và vì bất cứ lý do gì (§1); 2/ Thông dịch viên (nếu có) cũng buộc phải giữ bí mật, và tất cả mọi người đã biết về tội bằng bất cứ cách nào qua việc xưng tội (§2). Giáo luật điều 984 qui định về việc cấm tiết lộ những kiến thức về tội, vì thể : 1/ Linh mục giải tội tuyệt đối bị cấm dùng những kiến thức biết được trong lúc giải tội để làm hại hối nhân, ngay cả khi không có nguy cơ tiết lộ nào (§1); 3/ Người có quyền hành không thể xử dụng kiến thức về tội bất cứ khi nào qua việc xưng tội, vì mục tiêu điều hành bên ngoài (§2). Tại chủng viện, cha linh hướng và cha giải tội không được bỏ phiếu chịu chức hay loại bỏ chủng sinh (đ. 240 §2). Điều 985 đưa ra một qui định cụ thể như sau: Giám tập và người phụ tá, giám đốc của chủng viện hay của một cơ sở giáo dục nào khác, không được phép giải tội cho các học sinh trọ trong cùng một nhà, trừ khi học sinh tự ý yêu cầu trong những trường hợp riêng. Trong các tu viện, các bề trên đừng nên nghe các thuộc cấp xưng tội, trừ khi chính họ tự ý yêu cầu cầu (đ. 640 §4). Trong các tòa án, linh mục không được chấp nhận làm chứng nhân về những điều họ biết qua việc xưng tội, cho dù chính các hối nhân yếu cầu tiết lộ (đ. 1550 §2)

3. Hình phạt nào cho người xâm phạm ấn tín bí tích giải tội
Giáo hội áp dụng những hình phạt sau đây dành cho người xâm phạm ấn tín giải tội. 1/ Linh mục giải tội nào trực tiếp bi phạm ấn tòa giải tội, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Tông Tòa quyền giải vạ (đ. 1331); còn linh mục nào chỉ vi phạm cách gián tiếp, thì phải bị phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm (điều 1388 §1). 2/ Thông dịch viên và những người khác được nói trong điều 983 §2, vi phạm bí mật, thì phải chịu một hình phạt thích đáng, kể cả vạ tuyệt thông (điều 1388 §2).

Ngày 23.9.1988, Bộ Giáo lý Đức tin ra Nghị định (Decretum de sacramenti Paenitentiae dignitate tuenda) liên quan đến vạ tuyệt thông dành cho những ai tiết lộ những lời thú tội. Nhằm mục đích bảo vệ sự thánh thiêng của bí tích Thống Hối và để bảo vệ quyền của các thừa tác viên và các tín hữu Kitô liên quan đến ấn tích bí tích và bí mật liên quan với việc Thú tội, do năng quyền đặc biệt được Quyền bính Tối cao của Giáo Hội (điều 30), Bộ xác định như sau: Chiếu theo điều 1388, bất cứ ai xử dụng bất cứ phương tiện kỹ thuật nào để thu thanh những điều linh mục hoặc hối nhân nói trong Bí tích Giải tội (hoặc thực hoặc mô phòng) do chính họ thực hiện hoặc nhờ người khác thực hiện, hoặc ai tiết lộ thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, bị vạ tuyệt thông tiền kết (excomunicatio latae sententiae). Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành (23.9.1988)

4. Ứng xử của linh mục về bảo mật ấn tín giải tội theo luật đời và luật đạo
Tại nhiều quốc gia, có nhiều ngành nghề bao gồm giáo sĩ, đã bị luật pháp đòi hỏi họ phải phúc trình cho chính quyền dân sự biết về những trường hợp liên quan đến nghi ngờ lạm dụng hoặc bỏ bê trẻ em. Luật lệ hiện hành trong một số quốc gia dành một miễn trừ (exemption) cho ấn tín tòa giải tội giữa người xưng tội và linh mục theo việc thực hành tôn giáo. Hiện nay, vài quốc gia đang ra luật đòi buộc linh mục phải khai ra những điều được trình bầy trong giải tội. Linh mục phải ứng xử thế nào cho phù hợp với luật đời và luật đạo? Chúng ta nên có sự phân biệt rõ ràng. Linh mục vừa là thừa tác viên của Giáo hội vừa là công dân của quốc gia họ sinh sống. Là cộng dân, linh mục phải chu toàn những đòi hỏi chính đáng của luật pháp khi luật pháp quốc gia đó tôn trọng tự do tôn giáo và thực hành thánh thiêng của Giáo hội. Nhiều quốc gia tôn trọng sự thánh thiêng này nên không đòi buộc linh mục báo cáo về nội dung cuộc gặp gỡ giữa linh mục và hối nhân trong bí tích giải tội. Là thừa tác viên, linh mục chỉ là một kênh kết nối giữa Thiên Chúa và con người trong bí tích giải tội. Linh mục chỉ là dụng cụ của cuộc gặp gỡ thân tình giữa Thiên Chúa và hối nhân để giao hòa. Do đó, thông tin mà vị linh mục nhận được trong tòa giải tội thuộc về Thiên Chúa, chứ không thuộc về linh mục. Vì thế, linh mục không được tiết lộ tội của hối nhân trong bí tích giải tội, bất cứ gì lý do nào.

Ngày 1 tháng 7 năm 2019, Đức Hồng Y Mauro Piacenza. Chánh an Tòa Ân Giải của Giáo hội Công giáo đã công bố Chú Dẫn, nhấn mạnh đến 2 điểm chinh yếu của bí tích giải tội: tính thánh thiêng của tòa trong và tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích. Hai chủ đề thần học này đã được thực hành từ thế kỷ thứ 8 trong Giáo Hội nhưng còn xa lạ với công luận hiện thời. Trong bối cảnh ấy, Tông Tòa Xá Giải thấy khẩn cấp phải nhắc nhớ, trước nhất, tính bất khả xâm phạm tuyệt đối của ấn tín bí tích, dựa trên thiên luật và không chấp nhận bất cứ ngoại lệ nào. Linh mục giải tội, hành động in persona Christi capitis (trong con người Chúa Kitô là đầu), linh mục biết tội lỗi của hối nhân “không phải trong tư cách con người, mà trong tư cách Thiên Chúa”, theo kiểu nói thời danh của Thánh Tôma Aquinô (‘non ut homo sed ut Deus’). Vì lý do này, linh mục được kêu gọi bảo vệ tính bí mật của nội dung của việc Xưng Tội không những qua việc “trung thành” với hối nhân, mà, hơn nữa, vì tôn trọng tính thánh thiêng của bí tích. Mặt khác, chính mối quan tâm đối với phần rỗi các linh hồn (salus animarum) này đã khiến Giáo hội phải thiết lập ra các hình phạt nghiêm khắc nhất đối với những người vi phạm ấn tín (xem điều 1388 Bộ Giáo Luật 728, § 1, số 1 và điều 1456 Bộ Giáo Luật các Giáo Hội Đông Phương). Bằng cách công bố một Chú Dẫn về tầm quan trọng của tòa trong và tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích, Tòa Xá Giải xác tín tuyệt đối rằng “việc bảo vệ ấn tín bí tích và tính thánh thiêng của việc xưng tội không bao giờ có thể cấu thành một hình thức đồng lõa với tội ác; ngược lại, nó đại diện cho thuốc giải độc thực sự duy nhất chống lại tội ác đang đe dọa con người và toàn thế giới, chúng là khả thể thực sự để phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa, để con người được biến đổi và được biến đổi bởi tình yêu này, học hỏi để đáp lại tình yêu cách cụ thể trong đời sống mình”

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP